Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên nghề nuôi cá tra Việt nam


Nghề nuôi Cá tra ở Việt Nam đang ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thác thức về nguồn nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ, … trong đó biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thử thách gây trở ngại lớn cho ngành “sản xuất tỷ đô” này.
Môi trường thay đổi bất lợi
Khi nhiệt độ tăng, nước ấm hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho cá tăng trưởng tốt và năng suất cao  hơn  trong  thời  tiết  lạnh.

Nhưng  trong  những  năm  gần đây  hiện  tượng  tăng  nhiệt  độ thường xảy ra bất thường, cao và  kéo  dài  hơn,  nhiệt  độ  cao nhất từ tháng 3 – tháng 5 (340C), trong khi nhiệt độ tối ưu cho sinh trưởng của cá là 25 – 300C.Khi đó, ôxi trong nước cũng đột ngột tăng cao, làm cho cá chưa thích nghi kịp, dễ bị sốc, bệnh hoặc chết. Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu, thời tiết diễn ra bất thường, chất lượng nước thay đổi theo chiều hướng kém hơn (pH thấp, độ đục cao, độ mặn tăng cao, ammoniac cao, các chất độc hại và ô nhiễm nước gia tăng).

 
 
Hội thảo “Tác động của biến đổi khí hậu lên nuôi cá tra ở ĐB Sông cửu long”

Bên cạnh đó, theo dự đoán, năm 2020 mực nước dâng cao hơn hiện nay khoảng 6cm, đến năm 2050 mực nước biển dâng 18cm, làm cho hiện tượng xâm nhập mặn thường xuyên và lấn càng sâu hơn vào những vùng nội địa.

Sự biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng làm cho mùa mưa bắt đầu sớm,  lớn  và  bất  thường  hơn. Dự đoán đến năm 2020, lượng mưa sẽ cao hơn đỉnh điểm hiện nay khoảng 10%. Theo các nhà nghiên  cứu,  lượng  phù  sa  từ thượng nguồn đổ về hạ lưu giảm từ 150 triệu tấn (2000) xuống còn 90 triệu tấn (2010); bão tố, dông lốc xuất hiện ngày càng nhiều.

Thêm vào đó, những đập xây dựng  trên  thượng  nguồn  làm giảm dòng chảy xuống vùng hạ lưu sông Mêkông, gây tình trạng thiếu  nước.  Hiện  tượng  nước sông Hậu cạn kiệt đã từng xảy ra cách đây không lâu và đã gây nhiều khó khăn cho người nuôi cá tra dọc con sông này. Xa hơn nữa, công trình xây dựng đập thủy điện Xayaburi tại Lào sẽ thêm một vấn đề “nóng” mới cho nghề nuôi cá Tra Việt Nam, nếu được thông qua.

Sức khỏe và chất lượng cá bị giảm sút
Ngoài  ảnh  hưởng  của  tình trạng chất lượng con giống cá tra ngày càng giảm sút đến mức báo động, những biến đổi đột ngột của thời tiết cũng làm cho tốc độ tăng trưởng của cá chậm lại, tỷ lệ hao hụt cao. Trước đây, nuôi khoảng 5 – 6 tháng thì cá đạt kích cỡ thương phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (khoảng 1 –  1,2 kg/con), tỷ lệ hao hụt từ 10 – 15%, có khi 0%. Còn bây giờ, cá chết nhiều hơn trong quá trình  nuôi,  khoảng  20%,  thậm chí 30 – 50%, thời gian nuôi kéo dài đến 7 – 8 tháng, đôi lúc lên đến 1 năm cá mới đạt được kích cỡ xuất khẩu. Tỷ lệ cá chết ngày càng tăng không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của hộ nuôi mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của cả cộng đồng dân cư và môi trường sinh thái. Thay vì hộ nuôi phải tiêu hủy hay xử lý đúng cách, họ lại mang đi tiêu thụ khắp nơi, một số bán cho các hầm nuôi cá lóc, cá chim, cá trê,... Số khác bán cho các hộ làm mắm, làm khô; cũng có trường hợp cá chết không được vớt lên kịp thời làm nguồn bệnh lây lan khiến cho số cá còn lại bị nhiễm bệnh và tiếp tục chết. Nhiều hộ vớt xác cá chết bỏ rơi vãi trên thành ao hoặc vứt xuống kênh rạch gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh một cách nghiêm trọng. Khi chất lượng nước giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và vi rút bộc phát, sức đề kháng giảm sút, cá dễ bệnh hơn. Theo nghiên cứu gần đây của trường Đại học Cần Thơ, tỷ lệ cá tra nhiễm bệnh ở một số vùng nuôi lên đến 100%.

Thiệt hại càng nhiều, chi phí càng cao…
Do BĐKH, tình trạng sạt lỡ đê sẽ xảy ra thường xuyên hơn, gây thiệt hại cho công trình ao nuôi, hệ thống cấp và thoát nước nhiều hơn. Ngoài ra, mực nước dâng cao và thường xuyên sẽ gây lũ làm thất thoát cá, mất diện tích sản xuất và sản lượng thấp hơn. Chú Út – lão nông nuôi cá tra “kỳ cựu” ở Long Xuyên – An Giang kể lại, đầu năm 2011, chú thả 400.000 con cá tra giống mới nuôi chưa được 1 tháng, sạt lở bờ bao đã làm gần như toàn bộ cá trong ao thoát ra sông. Tính luôn chi phí sữa chữa và giá trị số cá thoát ra sông, chú bị thiệt gần 300 triệu đồng. Do vậy, để hạn chế thất thoát nếu chẳng may hầm cá bị sạt lở, người nuôi phải tốn chi phí để sửa chữa, gia cố và nâng cấp đê bao chắc chắn hơn; nói cách khác, chi phí sản xuất sẽ tăng cao hơn do ứng phó với BĐKH.

Ngoài ra, do kéo dài thời gian nuôi, hệ số thức ăn FCR tăng đến 1.6 thay vì 1.5 như trước đây. Hộ nuôi phải đầu tư thêm khoảng 500 triệu – 600 triệu đồng tiền thức ăn cho cá trong 2 tháng, một số tiền không hề nhỏ đối với người nuôi cá ở thời điểm hiện nay.

Hơn nữa, để tăng khả năng đề kháng cho cá, tạo môi trường nước ổn định và phù hợp, hộ nuôi phải tăng cường đầu tư mua hóa chất cải tạo môi trường nuôi, thuốc phòng và trị bệnh cho cá. Vì vậy, chính điều này cũng “góp phần” làm tăng chi phí cho sản xuất cá tra thương phẩm.

Việt Nam đứng thứ 5 trong danh sách các nước bị ảnh hưởng bởi BĐKH toàn cầu, rất dễ bị tổn thương cả về hình thái khí hậu khi mực nước biển tăng, lẫn diện tích đất canh tác sẽ bị thu hẹp. Nuôi trồng và chế biến thủy sản lâu nay vẫn được coi là thế mạnh của khu vực vùng ĐBSCL, trong đó, cá tra là đối tượng mũi nhọn và góp phần không nhỏ vào kim ngạch XK toàn vùng. Tuy nhiên những  ảnh  hưởng  bất  lợi  của BĐKH ngày càng rõ nét và thực tế đã có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến các hộ nuôi cá tra vùng đồng bằng châu thổ này. Nếu không có những biện pháp phù hợp và hiệu quả ngay từ bây giờ thì tác hại của BĐKH là đương nhiên và hậu quả sẽ là khôn lường.
Trương Ngô Bích Ngọc (vietfish.org)

Phân loại tin: