GRAISEA 2 – Đối thoại đa bên thúc đẩy xây dưng sáng kiến “Quỹ phòng trừ rủi ro trong sản xuất – liên kết giữa HTX Vinh Lợi và Công ty Hồng Tân Food”
Thời gian: Ngày 31 tháng 5 năm 2022
Thích ứng biến đổi khí hậu là một trong 3 hợp phần quan trọng của dự án “Tăng Cường Bình Đẳng Giới và Đầu Tư Kinh Doanh Nông Nghiệp Có Trách Nhiệm tại Đông Nam Á (viết tắt là GRAISEA 2), với mục đích hỗ trợ các tổ nhóm chia sẻ các rủi trong thiên tai, dịch bệnh, những biến động cực đoan trong điều kiện khí hậu tiện tại và bao gồm cả những biến động do thị trường gây ra.
Ngày 31 tháng 5 năm 2022, tại Cần Thơ, Ban quản lý dự án Graisea 2 (RECERD) tổ chức buổi đối thoại đa bên “Xây dựng quỹ phòng trừ rủi ro – Giải pháp tăng tính bền vững của chuỗi giá trị lúa gạo”. Tham dự hội thảo có đại diện Công ty TNHH MTV Lương thực Hồng Tân và đại diện Hợp tác xã Vinh Lợi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI – HCM).
Đối thoại tập trung bàn luận, góp ý xây dựng quỹ phòng trừ rủi ro cho liên kết giữa doanh nghiệp và HTX với những hỗ trợ ban đầu từ RECERD cho HTX Vinh Lợi và VCCI-HCM cho công ty Hồng Tân Food. Những thuận lợi, lợi ích có thể thấy khi xây dựng quỹ đã được đưa ra như: việc thành lập quỹ hỗ trợ giúp chia sẽ khó khăn giữa doanh nghiệp và Hợp tác xã sản xuất lúa hữu cơ, tạo điều kiện kết nối giữa HTX và doanh nghiệp. Từ đó tạo nên sự bền vững cho liên kết.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH MTV Lương thực Hồng Tân cho biết, vai trò của quỹ giúp giải quyết hai vấn đề lớn nhất của nông dân đó là “mất mùa được giá”, “được giá mất mùa” .Cụ thể, nguồn ngân sách từ quỹ sẽ giúp hỗ trợ người nông dân khi gặp khó khăn trong quá trình sản xuất như biến động về thị trường gây mất giá, ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu gây mất mùa, quỹ sẽ được sử dụng để giải quyết những khó khăn của người nông dân, tăng thu nhập và lợi nhuận. Ngoài ra, một số ý kiến khác được doanh nghiệp đưa ra là sử dụng nguồn quỹ trong việc đào tạo, hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho người nông dân, nâng cao kiến thức và nguồn nhân lực cho hợp tác xã, hỗ trợ di chuyển cho người dân sản xuất.
Về phía Hợp tác xã, quỹ ưu tiên hỗ trợ những nông dân gặp khó khăn trong quá trình canh tác như biến động về thị trường, ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu, môi trường, bệnh hại... quỹ sẽ được sử dụng để hỗ trợ người nông dân và thu lại với lãi suất thấp. Bên cạnh đó, những phương án giúp phát triển và nâng cao nguồn vốn của quỹ như: sử dụng quỹ để mua bán vật tư đầu vào nhằm mục đích tạo nguồn thu cho Hợp tác xã, qua đó giúp Hợp tác xã phát triển. Mặt khác, một phần lợi nhuận trong sản xuất của Hợp tác xa sẽ được góp vào quỹ, giúp phát triển quỹ ngày một lớn mạnh.
Phương pháp xây dựng quỹ là một yếu tố quan trọng được đưa ra bàn luận và đóng góp ý kiến, theo đó để tăng tính bền vững của quỹ phòng trừ rủi ro và mang đến lợi ích, cần thiết xây dựng qui chế chung cho các bên tham gia, bên cạnh đó cần thành lập ban kiểm tra, ban quản lí về các hoạt động của quỹ, cán bộ Hợp tác xã và doanh nghiệp có nhiệm vụ báo cáo định kỳ về kế hoạch và nhật kí sử dụng quỹ. Quá trình kí kết hợp đồng cần sự tham gia và ủng hộ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng có liên quan.
TUẤN ANH - RECERD