Người nuôi cá tra kêu cứu

Những người nuôi cá tra tại ĐBSCL hiện đang rơi vào tình cảnh nợ nần trầm trọng, không thể tiếp tục sản xuất, họ đã bị dồn vào đường cùng. Khó chồng khó. Nhưng hệ lụy này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.
 
 

Kiệt sức trên ao cá

Nếu như trước đây, người dân đổi đời nhờ cá tra, họ có thể xây nhà lầu, tậu xe hơi, thì hiện nay, người nuôi cá hoàn toàn không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng. Cô Đặng Thụy Tường, một hộ nuôi tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết, ngày đầu tiên nuôi cá tra thấy lời quá, bán 2 ao cá thu về hơn 1,5 tỷ đồng. Lãi nhiều đã khiến cô tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích nuôi. Cũng nhiều hộ dân khác ở Cần Thơ, họ đã giàu lên nhanh chóng khi vào thời điểm những năm 2007, 2008 giá cá tra nguyên liệu ở mức 25.000 - 26.000 đồng/kg, lãi lớn, thu hồi vốn đầu tư cũng nhanh, nên hầu hết đều tập trung nuôi. Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, họ phải đối diện với vô vàn khó khăn từ mọi phía. Chi phí đầu tư 1 ha nuôi cá tăng cao do giá cả vật tư đầu vào tăng; trong khi, giá cá tra nguyên liệu lại quá thấp. Cùng với đó là sự quay lưng của ngân hàng, các doanh nghiệp mua cá…

Ảnh: Ngọc Trinh

Khó chồng khó

Tình hình kinh tế thị trường thời gian gần đây chưa hết khó khăn, khiến hoạt động sản xuất nói chung và sản xuất thủy sản nói riêng cũng lao đao. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra gặp khó trong hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường ngày càng khắc nghiệt, không những thế, còn là tình trạng phá giá sàn, cạnh tranh không lành mạnh.

Khó khăn từ thị trường khiến nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng trả tiền mua cá nguyên liệu cho người nuôi. Chị Nga, ở Thốt Nốt, Cần Thơ chia sẻ, chị là người thu mua cá nguyên liệu rồi bán cho doanh nghiệp, chị bỏ toàn bộ vốn liếng của cải thu mua cá trong dân, nhưng khi doanh nghiệp không trả tiền mua cá (khoảng hơn 1 tỷ đồng trong gần một năm) chị rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn. Cùng đó, có rất nhiều hộ dân bán cá cho doanh nghiệp, nhưng đến một năm nay họ vẫn chưa nhận được tiền. Ông Lê Văn Chung, một nông dân có thâm niên trên 10 năm nuôi cá tra ở phường Thới Hòa (quận Ô Môn, Cần Thơ) cho biết, gia đình tôi có 15.000 ha ao nuôi, mọi năm giá tốt tôi có thể thu hoạch đến 600 tấn cá. Nhưng hai năm trở lại đây thì lỗ nặng quá, nợ vay từ ngân hàng gần 3 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi chưa thể trả được. Không còn đủ tiền để mua thức ăn nên gần 300 tấn cá đang nuôi trong các hầm đành phải bỏ đói.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, một phần do người dân phát triển nuôi ồ ạt, chuyển đổi toàn bộ diện tích sang nuôi cá, cùng đó, là sự ra đời của hàng loạt nhà máy chế biến, xuất khẩu… nhưng lại thiếu sự liên kết giữa các bên. Hiện, nhiều doanh nghiệp hoạt động chỉ còn 60 - 70% công suất thiết kế, nhiều cơ sở phải đóng cửa… Và hệ lụy đi kèm là hàng nghìn công nhân thất nghiệp.

 

Cách nào cứu người nuôi

Những người nuôi cá tra bị doanh nghiệp giam vốn, quỵt nợ đã họp bàn với nhau yêu cầu doanh nghiệp trả nợ và cũng gửi đơn kiến nghị các cấp lãnh đạo, mong muốn được giải quyết. Người dân, vốn chỉ biết "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", đang phải cầu cứu sự giúp đỡ để bảo vệ quyền lợi của mình.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt, trong đó có lĩnh vực thủy sản do Tổng cục Thủy sản chủ trì. Theo đó, những năm tới Tổng cục sẽ quy hoạch lại hệ thống nhà máy chế biến thủy sản, kết hợp với Bộ Công thương và các địa phương tổng điều tra và sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến theo hướng tập trung ở các cụm công nghiệp gắn liền với vùng nguyên liệu tập trung để giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và dễ quản lý. Qua đó, đưa ra lộ trình quy hoạch lại hệ thống nhà máy chế biến thủy sản cho phù hợp với từng vùng sản xuất nguyên liệu, từng thị trường và vùng miền.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản sẽ cùng các tỉnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ; trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức theo chuỗi sản phẩm. Thí điểm, nhân rộng mô hình người nuôi, người cung ứng vật tư và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cùng góp cổ phần nhằm tạo mối liên kết hữu cơ chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ.

>> Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã nuôi cá tra Thới An cho rằng, người nuôi cá tra cần thực hiện việc liên kết giữa nhà cung ứng con giống, vật tư, và doanh nghiệp thu mua sản phẩm, nhằm tránh bị ép giá, và tránh bị thua lỗ. Và để người nuôi không đơn thương độc mã, chịu mọi bất lợi từ sản xuất.

Linh Chi

 
 

Phân loại tin: