DN xuất khẩu tôm: Thờ ơ làm vùng nguyên liệu

Dù xuất khẩu đạt hàng tỷ USD mỗi năm, nhưng các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn không chú trọng đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu với nông dân mà vẫn chỉ mua “hớt ngọn”...
Thực tế là vậy, nhưng đến khi có người ngoài vào cuộc, mua giá cao hơn, DN Việt lại kêu than, cần hỗ trợ…Gần đây nhất, việc thương nhân Trung Quốc tham gia vào hoạt động thu mua tôm nguyên liệu, một lần nữa bộc lộ rõ điểm yếu của các DN trong nước khi thua ngay trên sân nhà.

Nông dân tự “bơi”

Anh Lưu Thanh Nghĩa, ngụ huyện Bình Đại (Bến Tre) cho biết, anh vừa thu hoạch xong 3 ao tôm thẻ chân trắng. Do thời tiết không thuận lợi nên 1 ao bị bệnh mất trắng, 2 ao còn lại tôm nhỏ nên tổng sản lượng chỉ đạt 3,5 tấn. Giá bán hiện đạt 140.000 – 145.000 đồng/kg (tùy cỡ tôm 70 con/kg hay 80 con/kg). So với cách đây 2 tháng, giá bán này tăng khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg.
 

Trong khi người nuôi tôm liên tục gặp khó khăn, rủi ro thì chưa có doanh nghiệp xuất khẩu tôm nào hỗ trợ họ.
Trong khi người nuôi tôm liên tục gặp khó khăn, rủi ro thì chưa có doanh nghiệp xuất khẩu tôm nào hỗ trợ họ.

Anh Nghĩa cho biết, nhờ có thương lái từ Hà Nội vào thu mua với giá cao hơn thương lái địa phương, nên dù tỷ lệ thành công chỉ đạt 70%, nhưng lợi nhuận vẫn được 150 triệu đồng. Cũng theo anh Nghĩa, gần 10 năm trong nghề nuôi tôm, anh chưa bao giờ nghe nói tới việc DN bao tiêu sản phẩm hay hỗ trợ sản xuất cho nông dân (ND).

“Vua” tôm Võ Hồng Ngoãn ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cũng cho biết, nhiều năm nay nghề nuôi tôm liên tục đối mặt với rủi ro vì dịch bệnh, giá bán bấp bênh. Tuy nhiên không có DN nào đứng ra chia sẻ với ND những thất bại, rủi ro đó. Theo ông Ngoãn, khi người nuôi tôm bắt đầu vụ nuôi, các DN cung ứng đầu vào như con giống, thức ăn thủy sản, thuốc thú y… được phần lợi trước nhất. Đến khi thu hoạch, năng suất đạt cao thì DN thu mua tìm đủ cách để ép giá ND, còn nếu tôm lỡ bị bệnh chết, ND mất trắng thì cũng không ai chia sẻ.

“Đáng nói là, đến khi có người khác vào tham gia thu mua với giá cao hơn, DN nội địa thiếu nguyên liệu thì họ la làng lên, kêu cứu khắp nơi. Sao họ không nghĩ tới việc bảo lãnh cho ND sản xuất để có nguyên liệu ổn định, thắng cùng hưởng, rủi ro cùng chia?” - ông Ngoãn bức xúc.

Doanh nghiệp bị động

Ông Nguyễn Văn Bang - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cửu Long (Trà Vinh) cho biết, ngay từ đầu năm 2013 công ty đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu mua tôm nguyên liệu, do đó hoạt động chế biến xuất khẩu đã bị ảnh hưởng, đến nay mới đạt trên 53% kế hoạch năm. Hiện, mỗi ngày công ty mua được không quá 10 tấn tôm, trong khi cùng kỳ năm ngoái có thể mua 30 - 50 tấn/ngày.

Theo ông Võ Hồng Ngoãn, DN phải có trách nhiệm với ND, chứ như mấy năm nay, cứ nói liên kết 4 nhà mà nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn thì đến bao giờ ND mới khá lên được?


Khi đề cập đến việc xây dựng vùng nguyên liệu, ông Bang cho rằng, xưa nay chưa nghe DN nào nói tới việc bao tiêu sản phẩm cho ND. Mỗi ngày, DN thu mua tôm nguyên liệu từ các thương lái, còn ND muốn bán cho ai thì bán. “Giờ chúng tôi chỉ ngồi chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, can thiệp để hạn chế tình trạng tôm nguyên liệu “chảy” ra nước ngoài, nếu không cũng chỉ biết “ngồi chơi xơi nước” mà thôi”- ông Bang nói.

Ông Huỳnh Văn Gành - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, không thể đổ lỗi cho thương nhân Trung Quốc mà DN nội phải tự xem lại mình: “DN đưa ra giá thấp, ép giá ND nên không mua được tôm là phải rồi”. Ông Trương Đình Hòe– Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng thừa nhận, mối liên kết giữa DN chế biến, xuất khẩu thủy sản với ND hiện nay mới dừng lại ở việc cung cấp thông tin thị trường, giá cả. Theo đó, khi ND bán sản phẩm, nếu đạt tiêu chuẩn của DN và đồng ý với mức giá của DN thì “thuận mua, vừa bán”, chứ không có bất kỳ ràng buộc nào giữa hai bên.
 

 

Phân loại tin: