Dễ dàng gặp gỗ bị đốn hạ
Sáng hôm sau, tiếp tục theo chân người dẫn đường, mất hơn tiếng đồng hồ tụt con dốc trơn trượt hằn những vết kéo gỗ, chúng tôi đã có mặt tại khu vực suối Làng Sáng (xã Háng Đồng, Bắc Yên, Sơn La).
Khi còn cách suối khoảng 500 m, mùi thơm đặc trưng của loại gỗ thuộc nhóm IIA pơ mu xộc vào mũi chúng tôi. Ngay sát bờ suối, 3 đống gỗ với những hộp pơ mu còn nguyên mùi nhựa được xếp chồng lên nhau để chuẩn bị trôi suối về phía xã Suối Tọ (Phù Yên).
Thật may khi chúng tôi tiếp cận khu vực này không có đội quân lâm tặc hơn 30 người như phản ánh của người dân. Bởi trước đó mấy ngày họ đã rút đi vì nghe tin sẽ có lực lượng chức năng lên đây.
Ngay khi chúng tôi tiếp cận và chụp ảnh khu vực này, đã đếm được hơn 300 hộp gỗ pơ mu kích cỡ 12cm x 22cm x 2m2. Một người dân (xin được giấu tên) sống tại khu vực này cho biết: Chỗ này nhiều năm nay là nơi tập kết gỗ của lâm tặc để chuyển theo suối xuống xã Suối Tọ cho một chủ gỗ ở đó. Sau đó, gỗ sẽ tiếp tục được chuyển xuống huyện Phù Yên cho một chủ gỗ khác lớn hơn bằng xe máy hoặc ô tô.
Để đảm bảo an toàn, sau khi chụp đủ hình ảnh, chúng tôi lại ngược trở lại con dốc trơn trượt trước đó đã qua. Nếu xuống dốc khó, nguy hiểm và liên tục bị ngã thì khi ngược dốc phải mất gấp đôi thời gian và đầu gối liên tục chạm mang tai…
Sau hơn 2 tiếng ngược dốc, chúng tôi đã tiếp cận khu vực mà theo thông tin phản ánh là có trên 400 đầu gỗ cùng kích cỡ được cất giấu ven rừng và tại nhà một người dân của bản. Tại đây, sau khi bí mật tiếp cận, chúng tôi tiếp tục chụp được những đống gỗ khoảng 250 hộp được che chắn bằng bạt ở hai bên trái nhà một người dân.
Đi ngược lên phía trên rừng cách bản khoảng 100 m, tiếp tục đếm được hơn 100 hộp gỗ pơ mu được giấu trong các lùm cây. Tuy nhiên, do lúc này có nhiều người dân chú ý đến và người dẫn đường yêu cầu quay trở lại để đảm bảo an toàn nên không thể tiếp tục ngược lên được phía trên.
Bởi theo thông tin phản ánh thì đi lên phía trên khoảng 2 tiếng đi bộ sẽ đến gần khu vực giáp ranh với huyện Trạm Tấu (Yên Bái) sẽ còn nhiều gỗ tập kết tại đó. Và cũng tại khu vực này sẽ thấy rõ hơn quang cảnh của rừng pơ mu bị tàn sát…
Chưa làm hết trách nhiệm
Tại buổi làm việc với ông Đào Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, chúng tôi được cho biết: Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản đã giảm nhiều so với trước đây, chưa thấy lực lượng chức năng huyện báo cáo về các vụ vận chuyển lớn.
Vừa rồi, huyện đã thành lập đoàn liên ngành bao gồm nhiều lực lượng ra quân kiểm tra về vấn đề phá rừng. Huyện cũng đã chỉ đạo rất mạnh về vấn đề này và sẽ xử lý nghiêm với những trường hợp buông lỏng, thiếu trách nhiệm. Thậm chí, trước đây lãnh đạo huyện còn trực tiếp tham gia cùng các lực lượng chức năng để phục bắt các vụ vận chuyển gỗ trái phép do người dân thông tin…
Cũng theo ông Nguyên thì việc người dân vẫn vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép là bởi sự phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với cơ sở, chủ rừng và người dân còn thiếu chặt chẽ; một số cán bộ chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Được biết, để khai thác một lượng gỗ lớn như vậy lâm tặc phải mất vài tháng trời ăn rừng, ngủ rừng. Và mỗi hộp gỗ kéo từ rừng về bản được chủ gỗ trả 120 ngàn đồng; kéo từ bản xuống suối được trả thêm 50 ngàn đồng và mang xuống đến khu vực suối thuộc xã Suối Tọ (mất khoảng 4-5 ngày trôi suối hoặc cả tháng nếu vào mùa khô) sẽ được trả thêm 100 đến 15 ngàn đồng/hộp.
Để làm rõ hơn tình trạng phá rừng ở Tà Xùa, chúng tôi đã làm việc với ông Đinh Văn Thiêng, Hạt trưởng Kiểm lâm Rừng đặc dụng Tà Xùa. Ông Thiêng cho biết: Không còn tình trạng khai thác, vận chuyển lớn như trước nữa bởi đã có sự phối hợp, tuần tra thường xuyên giữa các lực lượng với chính quyền địa phương.
Vừa rồi Hạt đã ra quyết định thành lập lực lượng chia làm 2 tổ đi kiểm trong rừng. Hiện anh em kiểm lâm đang nằm trên các chốt và sẽ làm quyết liệt.
Trung tuần tháng 8 vừa rồi, cũng tại địa bàn huyện Phù Yên, ngay khi đoàn liên ngành của huyện vừa kết thúc kiểm tra thì lực lượng kiểm lâm tỉnh đã phát hiện và bắt giữ được ngay tại đây một xe ô tô chở 3,7m3 gỗ pơ mu cùng các xe máy chở gỗ được vận chuyển từ rừng đặc rụng Tà Xùa.
Tuy nhiên, lạ một điều là từng đó lượng gỗ đã qua trót lọt sự kiểm soát của các lực lượng trên khu vực xã Suối Tọ và chính quyền cơ sở. Đặc biệt, đường lên xã Suối Tọ thời điểm đó đang bị sạt lở, gây tắc đường. Ấy vậy mà một lượng gỗ không phải là nhỏ lại có thể vận chuyển trót lọt được xuống tới huyện và chỉ có lực lượng kiểm lâm tỉnh bí mật nằm vùng ở đây mới bắt được.
Với những nội dung trên, qua làm việc với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Cừ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, thẳng thắn nói: Chúng tôi quan niệm rằng sai đến đâu sửa đến đó, sai đến đến đâu xem xét đến đó. Đồng thời xử lý nghiêm, kiên quyết triệt để đối với những cán bộ làm chưa hết trách nhiệm của mình, để từ đó có những biện pháp, phương pháp tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và phát rừng tốt hơn.
Trước khi báo chí phản ánh, Chi cục đã chỉ đạo anh em tập trung tăng cường kiểm tra những khu vực trọng điểm, trong đó có huyện Phù Yên. Thậm chí, còn chỉ đạo anh em vờ rút lực lượng rồi bí mật quay lại để đánh lạc hướng các đối tượng vận chuyển gỗ bằng ô tô, xe máy.
Sau đợt này, trực tiếp tôi sẽ tiếp tục lên kiểm tra việc quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng tại địa bàn báo chí đã phản ánh để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm nếu có…
Cũng về vấn đề này, ông Hờ Lao Cang, Bí thư Đảng ủy xã Háng Đồng (Bắc Yên) nói: Đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng kiểm lâm là cơ quan tham mưu chính cần phối hợp tốt hơn với cơ sở, cần xử lý mạnh tay hơn với những đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
Về việc rừng bị phá, xã chúng tôi cũng có phần trách nhiệm. Mấy năm nay, qua vận động tình trạng dân trong xã vào rừng khai thác gỗ đã giảm rất nhiều. Xã đã chỉ đạo lực lượng địa bàn tham gia kiểm tra, phát hiện rất nhiều vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
Tuy nhiên, cái khó nhất là việc quản lý các đối tượng từ địa bàn khác, nhất là dân khu vực giáp ranh, họ vẫn sang khu vực này khai thác trái phép gỗ pơ mu. Việc này cần phải có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng…
Xin nhắc lại, tình trạng phá rừng, nhất là khai thác trái phép gỗ pơ mu khu vực rừng đặc dụng Tà Xùa diễn ra từ năm 1990 và đỉnh điểm là từ năm 2008. Lực lựơng chức năng cũng đã ra quân, phối hợp truy quét và kiểm tra. Thậm chí, khi đó, đã có rất nhiều cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng này. Tuy nhiên, cho đến nay rừng vẫn bị phá, một lượng gỗ không nhỏ vẫn được vận chuyển ra khỏi rừng. |
Theo Đại Sơn/Nông nghiệp Việt Nam, 29/08/2013