Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận theo 5 chủ đề: Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà; Hình thành Phòng thí nghiệm học tập tiến hóa phục vụ sự phát triển bền vững của Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà; Mô hình Phòng thí nghiệm học tập tiến hóa mở ra cơ hội cho du lịch phát triển bền vững của Cát Bà; Nghiên cứu trường hợp của các quốc gia Châu Phi; Nghiên cứu trường hợp của Slovenia; Những kinh nghiệm thực tiễn của cách tiếp cận hệ thống, những tác động tới địa phương và toàn cầu.
Đồng chí Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố thuyết trình tại Hội thảo.
Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đan Đức Hiệp trình bày “Mô hình Phòng thí nghiệm học tập cho du lịch phát triển bền vững của Cát Bà”. Theo đó, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức dân sự và người dân địa phương cùng xác định các vấn đề về động lực và rào cản, xây dựng 5 kịch bản phát triển du lịch bền vững để chọn ra kịch bản tối ưu áp dụng ở Cát Bà. Trong đó, các yếu tố phát triển du lịch (số du khách, doanh thu, cơ sở nhà hàng, khách sạn) được cân nhắc trong mối quan hệ biện chứng tổng thể với các yếu tố môi trường (chất thải, ô nhiễm, khai thác, sử dụng nước ngầm, săn bắt động vật hoang dã trái phép…) và các yếu tố kinh tế xã hội khác (sinh kế người dân, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống). Kết luận được rút ra, thế kỷ 21 là thế kỷ của những vấn đề phức hợp, vì vậy cần phải áp dụng tư duy hệ thống để giải quyết các vấn đề, phục vụ phát triển bền vững.
Các nhà khoa học tham quan mô hình phát triển sinh kế bền vững gắn với bảo vệ môi trường tại khu du lịch Suối Gôi, xã Xuân Đám (huyện Cát Hải).
Tiến sĩ Bùi Thanh Tùng, Bí thư Huyện ủy Cát Hải giới thiệu về sự hình thành Phòng thí nghiệm học tập phục vụ sự phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà; Phòng thí nghiệm học tập là chu trình gồm 7 bước: xác định các vấn đề phát triển bền vững; đào tạo, nâng cao năng lực, hiểu biết về tư duy hệ thống và các công cụ khoa học hệ thống; xây dựng mô hình hệ thống sơ bộ; xác định điểm đòn bẩy, khâu đột phá; xây dựng và thử nghiệm các mô hình quản lý dựa trên phương pháp tính xác suất hệ thống (BBN); thực hiện các giải pháp mang tính hệ thống dựa trên các điểm đòn bẩy đó; rà soát, rút kinh nghiệm và cân nhắc triển khai chu trình tiếp theo. Việc “Xây dựng Cát Bà thành mô hình phòng thí nghiệm học tập đầu tiên trên thế giới” được áp dụng theo chu trình 7 bước nêu trên, tạo thay đổi nhận thức của các bên liên quan về “bức tranh toàn cảnh” về bảo tồn và phát triển bền vững khu dự trữ sinh quyển Cát Bà. Mô hình khuyến khích sự phối hợp giữa các ban, ngành và cộng đồng giải quyết các vấn đề chung. Mô hình đưa ra 3 điểm đòn bẩy để phát triển bền vững Cát Bà gồm: quản lý tốt chất thải; cải thiện sinh kế người dân; phát triển du lịch bền vững.
Các đại biểu quốc tế thảo luận về nội dung, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến các mô hình Phòng thí nghiệm học tập phát triển bền vững quần đảo Cát Bà và khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà; sự áp dụng tư duy hệ thống vào quản lý, triển khai các mô hình ở khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà.
Các nhà khoa học ham quan mô hình phát triển du lịch bền vững tại khu du lịch Pháo Đài thần công (thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải).
Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ “Ngày Cát Bà”, các đại biểu dự hội nghị ISSS tham quan thực tế quần đảo Cát Bà, tìm hiểu tổng quan quần đảo Cát Bà với tâm điểm bảo tồn tự nhiên. Từ đó, đưa ra một số khuyến cáo và định hướng như: Vịnh Cát Bà, tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm du lịch và chất thải; Du lịch sinh thái bền vững (khu nghỉ dưỡng). Đồng thời trình diễn ví dụ điển hình về “Khả năng của một hộ nghèo chuyển đổi lối sống từ lạm dụng nguồn tài nguyên rừng sang một mô hình kinh doanh nhỏ và bền vững kết hợp với bảo vệ rừng”.