Theo báo cáo của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Tổng cục Thủy sản), Việt Nam hiện có gần 3.500 tổ/đội sản xuất trên biển với khoảng 21.400 tàu (bình quân 6-7 tàu/tổ). Tổ chức sản xuất trên biển là yếu tố quan trọng trong việc phát triển khai thác hải sản kết hợp với bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển, được hình thành và phát triển mạnh trong thời gian qua. Bên cạnh các mô hình tổ chức sản xuất trên biển hiệu quả, còn có một số mô hình chưa thực sự tạo được sự gắn bó giữa các tổ viên, dẫn tới hiệu quả hoạt động chưa cao.
Các mô hình tổ/đội sản xuất trên biển được hình thành đã giúp nhau chia sẻ được thông tin về ngư trường, thời tiết, kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau xử lý rủi ro trên biển, tổ chức dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm, tương trợ, giúp đỡ gia đình các tổ viên, phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển; Hợp tác, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, nhờ đó, đời sống của người lao động được cải thiện rõ rệt.
Với mô hình này, chi phí sản xuất giảm, khai thác đạt hiệu quả khá, sản lượng tăng (có tàu tăng 1,2-1,5 lần so với khi chưa tham gia tổ) do thời gian bám biển dài ngày, giảm thiểu thiệt hại khi gặp rủi ro, hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, tự bảo vệ nhau khi có cướp biển tấn công. Đã phát huy nội lực của các thành viên trong việc huy động vốn để mua sắm tàu thuyền, ngư cụ và hỗ trợ nhau về vốn, lao động để phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, thông qua hoạt động của các tổ/đội, các đơn vị chức năng cũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về chủ quyền quốc gia, vùng đặc quyền kinh tế.
Song, bên cạnh những mặt đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến các tổ/đội sản xuất trên biển: Thông tin liên lạc hai chiều giữa Tổ trưởng của các tổ/đội với các cơ quan quản lý chưa tốt, gây khó khăn trong việc thông báo diễn biến tình hình thời tiết, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và an toàn của các tổ/đội trên biển. Chưa tổ chức được các tàu dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động khai thác hải sản, liên kết với nhau để ký kết các hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà máy chế biến thủy sản để tránh bị chủ nậu, vựa ép giá.
Thêm vào đó, một số chủ tàu trong các tổ/đội vẫn còn thiếu vốn để mua sắm máy thông tin liên lạc, trang thiết bị khai thác, hầm bảo quản sản phẩm trên tàu, thiếu vốn để cải hoán tàu thuyền, đầu tư nghề mới, chuyển đổi nghề phù hợp… tình trạng thuyền viên bỏ tàu vẫn thường xuyên xảy ra. Một số tổ/đội được thành lập nhưng hoạt động không đúng theo quy ước, cam kết chung. Ngư dân luôn có tư tưởng giấu ngư trường khai thác, không khai báo tọa độ với cơ quan chức năng… làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi tàu thuyền khi có bão, áp thấp nhiệt đới trên biển.
Sở dĩ có những hạn chế trên là do tại một số địa phương, ngư dân vẫn khai thác mang tính tự cấp, tự túc, thiếu vốn sản xuất. Sự hợp tác của các ngư dân chưa thực sự sâu sắc. Nhiều ngư dân không muốn kết hợp sản xuất theo hướng tổ/đội. Trong khi Nhà nước vẫn chưa có chính sách khuyến khích đầu tư cho tổ/đội sản xuất trên biển. Hơn nữa, nhiều chính sách của Nhà nước thường khó tiếp cận vì những điều kiện để được hưởng chính sách cao, ngư dân thì lại nghèo. Các tổ trưởng, thuyền trưởng thì thiếu kỹ năng quản lý phòng tránh thiên tai và phát triển tổ/đội khai thác xa bờ. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp ở một số nơi chưa thực sự quan tâm đúng mức tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển.
Với ý nghĩa to lớn về kinh tế, xã hội vàn an ninh quốc phòng, việc phát triển các mô hình tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển là rất cần thiết, giúp ngư dân phát triển tạo sự liên kết, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, an ninh quốc phòng trên biển. Để việc phát triển các mô hình tổ/đội hợp tác sản xuất trên biển một cách hiệu quả, trong thời gian tới, Nhà nước cần sớm xem xét ban hành chính sách khuyến khích phát triển tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển.
Ngọc Thúy-FICen