Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển Nông thôn (RECERD) đã phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen triển khai khóa tập huấn “Nhận diện các loài cá quý hiếm và cách cứu hộ” cho cán bộ và người dân xung quanh Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Long An.
Ngày 25 tháng 4 năm 2013, trong khuôn khổ dự án “Sử dụng tri thức địa phương để giám sát và hỗ trợ quản lý các hoạt động đánh bắt thuỷ sản, chú trọng vào các loài cá quan trọng quốc tế là Vồ Cờ, Trà Sóc và Tra Dầu ở hệ thống sông Mekong trên địa phận tỉnh Long An, Việt Nam” do Birdlife International, Quỹ đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) tài trợ kinh phí, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển Nông thôn (RECERD) đã phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen triển khai khóa tập huấn “Nhận diện các loài cá quý hiếm và cách cứu hộ” cho cán bộ và người dân xung quanh Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Long An.
Khóa tập huấn với sự tham dự của 60 học viên là cán bộ Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen và người dân làm nghề khai thác thủy sản thuộc 02 xã xung quanh khu bảo tồn (xã Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng).
Thông qua khóa tập huấn, học viên được trang bị các kiến thức và nâng cao nhận thức về: Ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn các loài cá quý hiếm, Các đặc điểm về sinh học: phân bố, nguồn thức ăn, mùa vụ sinh sản, mức nguy cấp; Các đặc điểm để nhận diện của ba loài cá quý tập trung chính vào 03 loài cá tra dầu (Pangasianodon gigas), vồ cờ (Pangasius sanitwongsei) và cá trà sóc (Probarbus jullieni); Phương pháp cứu hộ các loài cá quý hiếm…
Một trong những điểm sáng tạo của dự án và cũng như khóa tập huấn đó là huy động sự tham gia của người dân trong công tác bảo tồn, điều mà lâu nay còn hạn chế tại Việt Nam. Và cũng chính vì lý do này, ngoài việc đánh bắt quá mực, những ngư cụ hủy diệt vẫn được sử dụng, tiếp tục đe dọa đến sự sống còn của tất cả các loài cá quý hiếm.
Bằng việc huy động sự tham gia của người dân trong công tác bảo tồn: lực lượng bảo vệ sẽ đông đảo hơn; các kiến thức bảo địa trong bảo tồn loài quý hiếm được chia sẻ giữa người dân và chính quyền địa phương; không chỉ có vậy người dân còn tham gia vào công tác thông kê thành phần và số lượng loài, theo dõi, giám sát sự xuất hiện của các loài quý hiếm và ngăn chặn các thành phần xâm hại…
Theo kế hoạch của dự án, trong tháng 5 năm 2013 trạm cứu hộ động vật thủy sản quý hiếm Láng Sen sẽ được xây dựng. Các động vật thủy sản quý hiếm được người dân trong khu vực, cán bộ khu bảo tồn phát hiện đang ở tình trạng nguy cấp sẽ được đưa về đây điều trị, phục hồi sức khỏe trước khi thả về lại môi trường tự nhiên. Với việc xây dựng trạm cứu hộ này mong rằng trong thời gian tới công tác bảo tồn và cứu hộ động vật thủy sản quý hiếm trên địa bàn tỉnh Long An sẽ được tốt hơn.
Xuân Lập – RECERD