Ở Việt Nam, từ năm 2002, mắc ca được đưa vào trồng thử nghiệm diện hẹp. Thực tế cho thấy, mắc ca rất thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Tây Nguyên, Tây Bắc và đem lại giá trị kinh tế - xã hội lớn, giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, đến nay, cây mắc ca chưa có vị trí xứng đáng.
Ông Nguyễn Công Tạn
Một khi mắc ca được trồng phổ biến, chúng ta sẽ tiêu thụ loại quả này ở đâu, thưa ông?
- Trên thế giới, hiện mắc ca có thị trường tiêu thụ rộng lớn, dự báo có thể lên tới 40 vạn tấn/năm. Nhưng sản lượng bây giờ mới chỉ khoảng 10 vạn tấn/năm, cung không đủ cầu, giá bán rất cao. Ở Việt Nam, qua thực tế nghiên cứu cho thấy, cây mắc ca ghép sau khi trồng 3- 4 năm đã bói quả, đến năm thứ 7 khi cây đã định hình, mỗi ha có thể cho tới 10 tấn quả, tương đương 3 - 4 tấn hạt.
Với giá bán như hiện nay, 1ha mắc ca giá trị đạt tới 2.000- 3.000USD. Nếu xét về giá trị kinh tế, không có loại cây nào đủ sức cạnh tranh với mắc ca. Trong 10 năm nữa, mắc ca sẽ trở thành cây tỷ đô (USD - PV); 20 năm nữa nó còn có thể vượt qua kim ngạch xuất khẩu của lúa gạo.
Với giá trị kinh tế- xã hội lớn như vậy, tại sao diện tích cây trồng này ở nước ta vẫn còn rất hạn chế?
- Cái mắc nhất hiện nay là người dân chưa biết nhiều về cây mắc ca; thậm chí mắc ca còn đang bị "ghẻ lạnh" vì chưa có quy hoạch phát triển chính thức cho vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Hiện nay, có 2 nơi tin cậy cung cấp giống mắc ca là một công ty ở Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) và Ba Vì (Hà Nội), mỗi năm cũng chỉ cung cấp được chừng 30 vạn cây giống.
Có lẽ vì ít nguồn cung cây giống nên thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp bán giống chất lượng kém cho nông dân…
- Cá nhân tôi cho rằng khó có giống chất lượng kém hoặc giống xấu vì tất cả các giống mắc ca ở Việt Nam hiện đều có nguồn gốc từ Úc và Mỹ, đã được chọn lọc cẩn thận. Cái quan trọng nhất là khi đưa về Việt Nam sau nhiều năm chọn lọc sẽ được những giống tốt hơn, lý tưởng hơn. Có một vấn đề ở đây là khi nông dân mua giống cây ghép thì 3 năm đã bói quả, còn mua giống cây thực sinh thì sau 5-7 năm mới có quả.
Công nghệ chế biến mắc ca có phải là vấn đề cần tính đến cả trước mắt và lâu dài?
- Đầu tư cho một xưởng chế biến mắc ca cỡ nhỏ làm bánh kẹo chỉ vài trăm triệu thôi, không phải là vấn đề lớn. Tất nhiên, sau này để chế biến tinh dầu, hương liệu, nước hoa…, thì cần phải đầu tư lớn hơn, công nghệ hiện đại hơn. Nhưng cái vướng nhất hiện nay là doanh nghiệp đợi nguyên liệu của nông dân, còn nông dân chần chừ vì chưa có sự vào cuộc của doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Hữu Thông (thực hiện)