Đề tài tập trung nghiên cứu đánh giá các yếu tố tự nhiên và môi trường liên quan đến việc hình thành các bãi đẻ của cá rạn san hô trong một số khu bảo tồn biển trọng điểm (Hải Vân - Sơn Chà, Thừa Thiên Huế và vịnh Nha Trang – Khánh Hòa); điều tra tập tính sinh học sinh sản của các nhóm cá rạn san hô tại các bãi đẻ; khoanh vùng các bãi đẻ của cá rạn san hô tại khu vực nghiên cứu; điều tra, đánh giá và phân tích các yếu tố tác động từ hoạt động tự nhiên và con người đến sự tồn tại của các bãi đẻ và nghiên cứu một số giải pháp quản lý các bãi đẻ của cá rạn san hô, nhằm duy trì và phát triển bền vững nguồn lợi tự nhiên tại các khu bảo tồn biển.
Trong thời gian 2 năm 2009-2010, tập thể tác giả tham gia đề tài đã triển khai 6 chuyến khảo sát thực địa thu thập mẫu vật và tư liệu tại hai địa điểm nghiên cứu (Hải Vân - Sơn Chà và vịnh Nha Trang) để đảm bảo tính chất đại diện cho các mùa trong năm. Phương pháp nghiên cứu của đề tài là áp dụng quy trình, quy phạm về điều tra nghiên cứu biển của Việt Nam và các phương pháp nghiên cứu hiện đại về rạn san hô trên thế giới, lần đầu tiên thử áp dụng mô hình Delf 3D trong nghiên cứu phát tán ấu trùng cá rạn san hô trong phạm vi các khu bảo tồn biển. Trải qua 2 năm nghiên cứu, đề tài thu được những kết quả đáng kể.
Về khoa học, đề tài đã đánh giá một cách tổng thể các điều kiện tự nhiên và môi trường để hình thành các bãi đẻ của nhóm cá rạn san hô tại hai khu bảo tồn biển Hải Vân – Sơn Chà (tỉnh Thừa Thiên Huế) và vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) thông qua việc nghiên cứu về thành phần giống loài đàn cá bố mẹ tham gia vào quá trình sinh sản, điều kiện về nơi ở và nguồn cung cấp thức ăn cho ấu trùng cá. Ngoài việc xác định các nhân tố mang tính chất dẫn dụ cá bố mẹ tập trung sinh sản tại các bãi đẻ, đề tài còn xác định được mùa sinh sản của cá rạn san hô vào các tháng mùa khô trong năm với 7 bãi đẻ đã được khoanh vùng nằm trong phạm vi của hai khu bảo tồn biển.
Giai đoạn đầu Giai đoạn kết cặp
Hoạt động sinh sản ở cá mú cọp Epinephelus fuscoguttatus
(mũi Bãi Dê, Đông Bắc đảo Hòn Tre, khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang)
Về ứng dụng, các kết quả nghiên cứu của đề tài có tính ứng dụng cao đối với việc thiết lập các khu bảo tồn biển ở Việt Nam. Các bãi đẻ của cá rạn san hô là một trong những chỉ số sinh thái cực kỳ quan trọng để phân khu chức năng quản lý khu bảo tồn, đồng thời là cơ sở quan trọng xác định diện tích các vùng lõi của khu bảo tồn biển. Các kết quả nghiên cứu về tập tính sinh học của đàn cá bố mẹ, mùa vụ sinh sản sẽ giúp cho các nhà quản lý khu bảo tồn hoặc các cơ quan chức năng chuyên ngành thủy sản quy hoạch được vùng cấm/hạn chế khai thác trong các tháng nhất định trong năm, nhằm tạo điều kiện cho nguồn lợi tự nhiên có thời gian tái tạo, nâng cao sản lượng đánh bắt của nghề khai thác cá ven bờ.
Như vậy có thể thấy rằng, nhu cầu đối với việc nghiên cứu các bãi giống, bãi đẻ của nhóm cá rạn san hô là hết sức cần thiết, cấp bách và có ý nghĩa trong công tác bảo tồn nguồn lợi biển. Mặt khác, các kết quả nghiên cứu về bãi đẻ của nhóm cá rạn san hô đóng vai trò thiết thực đối với ban quản lý các khu bảo tồn trong việc đề ra các biện pháp quản lý hữu hiệu các bãi đẻ, hoàn thiện cơ sở khoa học cho bộ tiêu chí về việc lựa chọn vị trí các khu bảo tồn biển ở Việt Nam
Nguồn tin: TS. Nguyễn Văn Quân
Viện Tài nguyên và môi trường biển
Xử lý tin: Mai Lan