PV: Giáo sư đã rất tâm đắc đối với khái niệm“văn hóa biển” trong việc khai thác tiềm năng biển. Vậy, xin Giáo sư nói rõ hơn về vấn đề này?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Văn hóa biển không phải chỉ là thơ ca, nhạc họa ca ngợi biển, mà cái chính là biết bảo vệ biển và khai thác biển. Chúng ta đừng quên ven biển nước ta có tới gần 6 triệu hec-ta đất nông nghiệp, khoảng 1,8 triệu hec-ta đất lâm nghiệp, diện tích rừng ngập mặn rộng tới 250.000ha. Ngoài ra, còn có tới 290.000ha bãi triều và hàng vạn ha vùng cát dọc ven biển miền Trung.
Tính đến hết năm 2008, chúng ta có trên 30.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản ven biển và thu về một nguồn lợi rất lớn , vừa để phục vụ nhu cầu trong nước, vừa để xuất khẩu. Khai thác hải sản đã góp tới 3 tỷ đô la Mỹ trong tổng giá trị xuất khẩu (2008) và tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Tuy nhiên, nước thải khu vực ven biển đã chiếm đến 1/4 tổng lượng nước thải trong cả nước. Công nghiệp khai thác than, khoáng sản, dầu mỏ và hoạt động hàng hải cũng đã và đang góp phần không nhỏ vào việc làm ô nhiễm biển.
Từ năm 1989 đến nay, đã có hơn 100 vụ tràn dầu với số lượng tới hàng trăm tấn dầu. Dầu loang trên mặt biển cùng với ô nhiễm chất thải đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái biển và ven biển. Diện tích rừng ngập mặn đang giảm sút với tốc độ tới khoảng 2.670ha/năm, do khai hoang và khoanh bao làm đầm nuôi thủy sản. Các rạn san hô bị tàn phá nghiêm trọng cũng góp phần làm xấu đi môi trường sống của các sinh vật biển vốn rất đa dạng trước đây... Văn hóa biển trước hết phải là văn hóa bảo vệ nguồn lợi biển. Mà muốn bảo vệ, cần phải có sự đầu tư thỏa đáng và có kế hoạch tuyên truyền cũng như giám sát nghiêm ngặt.
PV: Thưa Giáo sư, có thể nói Luật Biển Việt Nam ra đời là khát vọng và ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam. Sau 4 tháng kể từ ngày chính thức công bố, ông đánh giá thế nào về tính thời đại của việc ra đời Luật Biển?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Luật Biển ra đời củng cố thêm cơ sở pháp lý về chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Lâu nay rất tiếc vẫn có người cố tình hiểu sai lệch là Việt Nam đang khai thác tài nguyên trên vùng biển của người khác. Quốc tế có những nguyên tắc về thềm lục địa, nguyên tắc về lãnh hải, không ai có thể thay đổi được. Gần đây, chúng ta tìm được bản đồ từ thời nhà Thanh, mà ở đó phía Nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Tiếp đó lại có thêm nhiều bản đồ khác đã được tìm thấy cũng chứng minh điều này, mà đâu phải do chúng ta làm ra. Vấn đề hiện nay là làm sao cho nhân dân hai nước Việt Nam, Trung Quốc hiểu nhau, tôn trọng nhau, vui vẻ sống bên nhau.
Chúng ta phải tin ở chính nghĩa và tin ở sự sáng suốt của nhân dân thế giới cũng như các học giả trên thế giới. Chúng ta đã cố gắng có nhiều kênh tiếng Hoa trên Đài Tiếng nói Việt Nam, trên kênh Thông tấn xã, trên VTV và gần đây, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị cũng đã được phép xuất bản Bản tin bằng tiếng Hoa. Tôi là người nhiều năm học tập tại Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Quảng Tây) và hiện nay vẫn thường xuyên làm việc với các học giả Trung Quốc. Tôi biết nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân mọi nước khác đều mong muốn có cuộc sống yên bình, để đất nước phát triển và để có cuộc sống ngày càng hạnh phúc.
PV: Việc đánh bắt xa bờ của ngành ngư nghiệp hiện nay không thực sự hiệu quả, Giáo sư đánh giá thế nào về vấn đề này?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Chúng ta đã không thành công trong việc đánh bắt xa bờ, trong khi hải sản đánh bắt ven bờ đã cạn kiệt. Hơn nữa, con em ngư dân nhiều nơi còn bị thất học. Khi đã thất học thì tương lai của chúng làm sao sáng sủa được. Lại tiếp tục phải ra khơi với biết bao hiểm nguy như các thế hệ cha ông. Biển rộng lớn vô cùng nhưng hiểu biết về biển và việc đầu tư để khai thác nguồn lợi từ biển thì còn quá thấp. Nhiều Việt kiều nói với tôi là chúng ta có khả năng đóng thuyền tốt nhưng chúng ta thiếu thiết bị làm nước đá từ nước biển. Cứ hết nước đá lại phải vào bờ thì làm sao có thể đánh bắt được xa bờ. Lại còn có người xui dại ngư dân là ướp cá bằng urê. Urê có thể làm tăng độ kiềm lên rất cao, cho nên có thể làm cá không bị ươn vì vi khuẩn phá hủy. Nhưng urê có chứa thiurea, một chất độc rất có hại và không thể chấp nhận được.
PV: Còn một khái niệm khá mới mẻ mà Giáo sư nhắc đến là vấn đề “canh tác biển” thì sao?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Đây là khái niệm mới và nhiều nước đã thành công. Người ta “đánh luống”, bằng cách chăng dây rồi lấy mầm tảo biển mắc vào dây. Dinh dưỡng của biển tự nuôi những mầm tảo lớn lên. Lúc thu hoạch chỉ việc dùng cáp kéo dây thép lên là thu hoạch được tảo, một nguồn thực phẩm vừa giàu protein, vitamin và còn không ít các nguyên tố vi lượng quý giá.
PV: Việt Nam đang phấn đấu trở thành một đất nước mạnh về biển, làm giàu từ biển, vậy theo Giáo sư thì kinh tế biển có vai trò như thế nào?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Chúng ta cần nhiều biện pháp tổng hòa mới có thể đạt được mục tiêu này. Kinh tế biển không chỉ ở ngoài biển mà cả trong đất liền, vùng ven biển. Chúng ta nên thay đổi tập quán canh tác. Đi qua những cánh đồng lúa miền Trung, nhiều nơi tôi có cảm tưởng như chân hương cắm trên cát. Làm sao có thể cho năng suất cao được. Tại sao không xây dựng nơi đó thành các khu công nghiệp mà lại đi biến các “bờ xôi ruộng mật” ven các quốc lộ, tỉnh lộ thành các khu công nghiệp, các khu chế xuất...
Khi tôi là Đại biểu Quốc hội, tôi đã nói: Ai không hiểu khái niệm “cấu tượng” (đất có độ phì nhiêu do vi sinh vật tích lũy chất mùn hàng trăm năm để đất có hạt vừa phải, tạo ra các khe nhỏ chứa nước, thức ăn, không khí, khác hẳn với đất cát và đất sét không có độ phì nhiêu) thì đừng làm nhà lãnh đạo địa phương (!). Tôi rất tâm đắc với câu các bạn nước ngoài nói: Muốn làm giàu trước hết phải làm đường. Vậy thì chúng ta phải làm đường nối được các vùng không có cấu tượng ra các cảng biển, để rồi kêu gọi các nhà đầu tư đến đó lập nghiệp với giá đất rẻ hơn nhiều so với các vùng đất có cấu tượng.
Ngoài ra còn cần lưu ý Việt Nam là một trong 5 nước có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn nhất thế giới về biến đổi khí hậu. Tôi nghe nói, chúng ta đang nghiên cứu một kế hoạch xây dựng hệ thống đê lớn dọc bờ biển, bên ngoài dự kiến trồng cây chắn sóng. Không hiểu dự án này bao giờ được khởi công? Chúng ta có hai châu thổ lớn của sông Hồng và sông Cửu Long.
Nếu nước biển dâng, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có một phần bị ngập, nếu không ngập thì cũng bị mặn hóa, ảnh hưởng đến sản lượng thóc gạo, một ưu thế lớn của nước ta. Phải lường trước lúc nào đó, dân số nước ta sẽ lên đến 100 triệu người. Nếu không bảo vệ được hai châu thổ này thì không thể là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới mà có khi còn phải... nhập gạo (!). Cũng nghe nói nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng chuẩn bị sang Hà Lan để học tập kinh nghiệm đắp đê nổi tiếng thế giới. Rất tiếc ông đã ra đi trước khi thực hiện được công việc hệ trọng này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Ngân An, bienphongvietnam.vn (Thực hiện)