Mặt khác, do các ngân hàng không hạ điều kiện cho vay và việc khoanh nợ, giãn nợ chuyển biến chậm, trong khi hầu hết người nuôi chăn nuôi và doanh nghiệp đã hết tài sản thế chấp nên thiếu điều kiện để vay thêm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại thời điểm đoàn khảo sát, ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, hầu hết các khoản dư nợ cho vay để nuôi, thu mua và chế biến cá tra tại các Ngân hàng thương mại nhà nước tại các tỉnh đều đã thực hiện điều chỉnh lãi suất cho vay dưới 15%/năm, một số ít doanh nghiệp chế biến đã tiếp cận được vốn vay bằng ngoại tệ với lãi suất khoảng 9%/năm nhưng với hạn mức thấp, còn có một số ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh vẫn cho vay ở mức lãi suất trên 15%, thậm chí tới 19-21%/năm. Chẳng hạn như tại tỉnh Vĩnh Long, qua khảo sát 11 hộ nuôi cá tra ở vùng Long Hồ, Vũng Liêm, Măng Thít có 6 hộ vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp cận được mức lãi suất 11%/năm và hạ lãi suất cũ xuống còn 15%/năm. Còn lại 3 hộ vay của Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long và 2 hộ vay Ngân hành Đầu tư và Phát triển vẫn chưa tiếp cận được lãi suất thấp 11%, chưa được giảm nợ cũ.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn để tháo gỡ những vướng mắc trong phân loại nợ với các khoản vay cho nuôi, thu mua và chế biến cá tra, tôm nước lợ. Đặc biệt cần có giải pháp với các khoản vay của người nuôi và doanh nghiệp sản xuất tôm, cá tra vay từ ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước cũng được hưởng chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 1149/TTg-KTN.
Theo SGGP Online