Hội nghề cá Việt Nam vận động chính sách hỗ trợ người nuôi tôm


Hiện nay nuôi trồng tôm thủy sản đang ngày một trở nên phổ biến và tạo ra nguồn thu lớn cũng như việc làm cho bà con nông dân và là một mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị lớn. Nhưng từ đầu năm 2012 đến nay, xảy ra rất nhiều vấn đề lớn xung quanh việc sản xuất nuôi trồng tôm khiến sản xuất khó khăn, nông dân thua lỗ phải bỏ nghề…
Theo báo cáo của các Tỉnh hội nghề cá ĐBSCL và hội viên có nghề nuôi tôm phát triển, dịch bệnh tôm đang lan tràn khắp nơi, gồm những bệnh thường thấy như bệnh thân đỏ, đốm trắng, đầu vàng, còi. Hiện mới phát hiện thêm bệnh gây hoại tử gan tụy do vi khuẩn gây ra. Nguyên nhân chủ yếu là do không kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc tôm giống; Xử lý nguồn nước thải không triệt để và nghiêm túc dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mầm bệnh lưu tồn và phát tán. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào lại tăng cao, người dân thiếu hụt vốn sản xuất trong khi việc vay vốn ngân hàng lại rất khó khăn.
 
 
Trại nuôi tôm (nguồn internet)

Trước những vấn đề trên, Hội nghề cá Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Văn phòng Chính Phủ và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, kiến nghị các cơ quan này khẩn trương tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho dịch tôm chết hàng loạt; Kiểm soát hiệu quả chất lượng tôm giống tại các tỉnh sản xuất tôm giống trọng điểm; Đào tạo hướng dẫn bà con nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP; Đầu tư chiều sâu cho hệ thống thủy lợi, đảm bảo chất lượng nước vào ao nuôi và nước thải, tránh làm ô nhiễm môi trường; Điều chỉnh mức hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do tôm nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra cần có biện pháp kiểm soát giá cả nguyên liệu đầu vào; Chỉ đạo ngân hàng thực hiện tái cơ cấu nợ, cho vay lãi suất ưu đãi để người dân có vốn sản xuất; Xây dựng chương trình mục tiêu nuôi tôm bền vững.

Sau khi nhận được kiến nghị của Hội nghề cá Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có văn bản trả lời những kiến nghị của Hội và ghi nhận các ý kiến này. Trước đó Bộ NN&PTNN đã ban hành quyết định số 1254/QĐ-BNN-TCTS thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ và Chỉ thị số 1862/CT-BNN-NTTS về triển khai nhiệm vụ xác định nguyên nhân và giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, đồng thời chỉ đạo Tổng cục thủy sản và các đơn vị khẩn trương có kết luận về tác nhân gây bệnh và các giải pháp khắc phục, dự nghị tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh tôm vào cuối tháng 11-2012.

Về các chính sách hỗ trợ nuôi tôm, thời gian qua Bộ đã áp dụng một số chương trình: Chương trình thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp nhằm chia sẻ rủi ro và bù đắp một phần thiệt hại do thiên tai dịch bệnh tại Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau; Chương trình GAP trong nuôi trồng thủy sản (Quyết định số 1503/QĐ-BNN-TCTS) (VietGAP); Hoàn thiện báo cáo tình hình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về một số chính sách hỗ trợ sản xuất, trong đó đề xuất đưa tôm nước lợ là đối tượng được hưởng chính sách…

Đây sẽ là một tin vui cho bà con nuôi trồng tôm thủy sản trên cả nước. Những chương trình đang được Chính Phủ đầu tư thực hiện nếu được áp dụng rộng rãi sẽ trở thành tín hiệu tốt cho sự phát triển trở lại của nghề nuôi trồng tôm thủy sản cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu và đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân ./.

Yến Chi, CTV RECERD
 

Phân loại tin: