Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức

Đây là bài phát biểu của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại lễ công bố Báo cáo khảo sát xã hội học 'Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức’, tổ chức tại Hà Nội, tháng 11/2012

Kính thưa Ông Trần Đức Lượng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ,
Kính thưa Ông Lê Văn Lân, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về PCTN,
Thưa các vị khách quý, thưa quý Ông, quý Bà,

Đầu năm 2012, thông điệp năm mới của tôi của rất đơn giản: "Hãy chiếu ánh sáng nhằm giảm tham nhũng tại Việt Nam." Hôm nay tôi rất vui mừng được ở đây để thấy thông điệp này, dưới các cách khác nhau, đang trở thành hiện thực, ngay trong năm 2012 này.

Báo cáo mà Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới công bố ngày hôm nay đã chiếu một tia sáng vào tham nhũng. Có những việc được mọi người thừa nhận rộng rãi là có vấn đề, mặc dù vậy chúng ta không thực sự biết nhiều về chúng, chẳng hạn như tham nhũng. Ai cũng biết tham nhũng là một vấn nạn nhức nhối, và một loạt các biện pháp đã được đưa ra trong những năm qua để cố gắng giảm bớt nạn tham nhũng, nhưng câu trả lời cho một số câu hỏi cơ bản lại thường dựa vào suy đoán và các giai thoại như:

- Tại sao tham nhũng lại phổ biến như vậy?
- Tại sao lại khó loại trừ tham nhũng đến như vậy?
- Tham nhũng vận hành thế nào?
- Trong số rất nhiều các biện pháp đã được đưa ra, những biện pháp nào thành công và những biện pháp nào thất bại?
- Trong những năm tới cần ưu tiên điều gì?

Báo cáo mà chúng tôi cùng công bố hôm nay đã chiếu một tia sáng lên những câu hỏi này.

Tôi rất vui mừng khi Chính phủ yêu cầu giúp đỡ tiến hành nghiên cứu, Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển UK-DFID và UNDP đã có thể đáp ứng yêu cầu này.

 
 

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Đây là một quá trình nghiên cứu hoàn toàn do Chính phủ Việt Nam chủ trì. Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng của Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện hoạt động này, đã tham gia trong toàn bộ quá trình, từ thiết kế phương pháp điều tra và bảng câu hỏi, cho đến làm việc với các đối tác địa phương để đảm bảo sự thành công của các chuyến khảo sát thực địa. Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng cũng đảm bảo là quá trình nghiên cứu có sự hỗ trợ của nhiều bên liên quan, thông qua việc thành lập Ban cố vấn bao gồm các thành viên từ Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF) và các cơ quan khác. Ban cố vấn đã hỗ trợ ngay từ ban đầu cũng như xem xét kết quả ban đầu của các cuộc khảo sát. Trong suốt quá trình nghiên cứu, nhóm chuyên gia của chúng tôi đã rất ấn tượng về sự chỉ đạo sát sao và việc chú trọng đến chất lượng công việc của nhóm công tác của Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban Chỉ đạo. Họ đã giúp chiếu một tia sáng vào bóng tối khi chủ trì quá trình này.

Tôi cũng muốn dành một chút thời gian để đưa cuộc chiến chống tham nhũng vào bối cảnh của nó. Tại Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đã hiểu được con đường khó khăn là chúng tôi không thể thành công với sứ mệnh cốt lõi của mình là chấm dứt đói nghèo mà không đồng thời giải quyết "căn bệnh ung thư tham nhũng". Đây là cụm từ mà Ngài cựu chủ tịch của chúng tôi đã sử dụng cách đây 16 năm. Trước đó, cộng đồng các tổ chức phát triển có thể không thích tham nhũng, nhưng cũng chưa hiểu thấu đáo những tác hại mà nó gây ra đối với sự bình đẳng, hiệu quả, và quá trình phát triển. Và trong nhiều năm qua chúng tôi đã hướng phòng chống tham nhũng là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của chính chúng tôi.

Các cuộc khảo sát được thảo luận ngày hôm nay giúp hiểu rõ thêm những tác hại mà tham nhũng gây ra. Như báo cáo đã chỉ ra, việc hỏi mọi người quan ngại thế nào đến tham nhũng chỉ nói lên một phần câu chuyện. Trong khi tham nhũng là một trong những vấn đề mà mọi người dân, các doanh nghiệp, và công chức quan ngại nhất, nhiều vấn đề khác mà mọi người quan tâm cũng liên quan đến tham nhũng. Các cuộc khảo sát cho thấy mức độ tham nhũng trong đội ngũ cảnh sát giao thông, giáo dục, hệ thống y tế và quản lý đất đai và nhiều lĩnh vực khác. Nỗ lực giải quyết những thách thức như an toàn giao thông, giáo dục, y tế và ô nhiễm môi trường – những vấn đề mà mọi người quan tâm - mà không đồng thời giải quyết nạn tham nhũng hiện đang làm giảm sự công bằng và hiệu quả trong các hệ thống đó, cũng giống như cố gắng nuôi dưỡng cây nhưng lại bỏ qua các căn bệnh bắt nguồn từ gốc rễ. Thực tế là Chiến lược đối tác quốc gia mới đây của Ngân hàng thế giới xác định quản trị nhà nước là một chủ đề quan trọng trong những hoạt động của chúng tôi.

Mặc dù một báo cáo như thế này chắc chắn nêu bật được vấn đề, nó cũng sẽ chiếu một tia sáng lên những thông điệp mang tính xây dựng về cách thức giải quyết những vấn đề này.

Theo như báo cáo và các bài trình bày của các đồng nghiệp của tôi sẽ cho thấy, hệ thống tham nhũng được nuôi dưỡng bằng cả cầu và cung, trong một vòng tròn luẩn quẩn của các vấn đề quan liêu và các khoản chi trả không chính thức bị đòi hỏi hoặc mời chào để giải quyết những vấn đề này. Thông thường, các khoản tiền này bắt nguồn từ phía cung.

Cho phép tôi được làm rõ thêm: đây không phải là đổ lỗi hoặc buộc tội ai, mà là chỉ là nêu ra vấn đề một cách trung thực và từ đó suy nghĩ để đưa ra giải pháp một cách sáng tạo. Khi các vấn đề tham nhũng bắt nguồn từ phía cung, sự cần thiết phải thay đổi thái độ của xã hội thậm chí còn trở nên rõ ràng hơn. Doanh nghiệp và người dân cần biết rằng họ có những lựa chọn khác ngoài việc hối lộ; và nếu không có lựa chọn khác, các nhà lãnh đạo của Việt Nam cần tạo ra các lựa chọn thay thế đó. Các cuộc khảo sát cũng cho thấy các công ty tìm kiếm những lựa chọn thay thế cho việc hối lộ thực sự hoạt động tốt hơn. Liệu có thông điệp nào có ý nghĩa hơn để gửi đến cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam!

Nhiều biện pháp đã được áp dụng trong vòng bảy năm qua với hy vọng giảm tham nhũng. Báo cáo mà chúng tôi công bố ngày hôm nay chiếu tia sáng lên những gì đã thành công và không thành công. Báo cáo đã chứng minh một cách thuyết phục là những tỉnh và huyện tuân thủ đầy đủ hơn các chính sách về công khai và minh bạch đã thực sự có mức độ tham nhũng thấp hơn! Chiếu một tia sáng thực sự làm giảm tham nhũng. Những tỉnh và huyện đã thực hiện đầy đủ hơn các chính sách khác, chẳng hạn như chính sách về chế độ, luân chuyển cán bộ và cải cách hành chính, cũng có mức độ tham nhũng thấp hơn. Xây dựng cơ chế để đảm bảo rằng những chính sách này được thực hiện đầy đủ hơn sẽ giúp giảm bớt tham nhũng trong phạm vi cả nước.

Cuộc khảo sát này rõ ràng cho thấy sự cần thiết phải tăng thêm sức mạnh trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng cuộc khảo sát cũng chứng minh đây là một trận chiến nhất định mang lại thắng lợi và hoàn toàn có thể giảm bớt tham nhũng. Ước vọng một Việt Nam hiện đại và thịnh vượng không đòi hỏi nhiều hơn thế.

Nói tóm lại, thông điệp chính của báo cáo này là tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng không phải là không giải quyết được. Minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là những thể chế hiện đại cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Trước khi kết thúc, tôi muốn nhắc lại rằng chúng tôi rất trân trọng sự lãnh đạo mạnh mẽ của Thanh tra Chính phủ trong suốt quá trình nghiên cứu và hoan nghênh Chính phủ đã cho công bố các kết quả của nghiên cứu. Minh bạch không chỉ là một khẩu hiệu, mà còn là một thực tế khi nói đến những kết quả nghiên cứu này.

Tôi cũng đánh giá cao sự hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật của các đối tác phát triển, DFID của Vương quốc Anh và UNDP suốt quá trình này. Đây thực sự là một nỗ lực chung.

Mặc dù bài phát biểu của tôi nêu bật những tia nắng mặt trời mà tôi thấy ngày hôm nay, chúng ta cũng phải hiểu những thách thức ở phía trước. Các cuộc khảo sát sẽ không giúp chấm dứt nạn tham nhũng. Một báo cáo sẽ không làm tham nhũng biến mất. Các báo cáo chỉ có thể chiếu một tia sáng lên những gì cần phải làm. Điều này tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo của Việt Nam – những nhà lãnh đạo chính trị, những đại biểu dân cử, những lãnh đạo của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội dân sự và các nhóm công dân – những người sẽ giúp chiếu ánh sáng vào bóng tối, chuyển từ tham nhũng sang liêm chính và tiến hành sự thay đổi. Khi Việt Nam bước vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình, thời điểm để hiện đại hóa các thể chế phòng chống tham nhũng chính là thời điểm này.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Lễ công bố Báo cáo khảo sát xã hội học 'Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức’

Hà Nội, Việt Nam

20 Tháng 11 Năm 2012

Như trong bản chuẩn bị để phát biểu (nguồn: www.worldbank.org)

Phân loại tin: