Nghẹn lòng cảnh đời hàng trăm góa phụ tay trắng ở Lý Sơn


Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện có tới hơn 200 góa phụ. Chồng mất xác ngoài biển, nỗi đau chưa lắng thì chỉ vài tháng sau, nhiều chị em phải bế, dắt con tay trắng rời nhà chồng...
Những rào cản về tâm lý, về quan niệm, tập tục khiến họ vừa mất chồng, vừa mất nhà ở, tài sản mà không biết kêu ai.
“Vì anh ấy mất sớm”

Chồng chị Ngô Thị Hường là Lê Thành chết ngoài biển, 2 đứa con, đứa 5 tuổi, đứa hơn 1 tuổi đã phải cùng mẹ về ở nhà ngoại. Lúc còn sống, anh Thành làm nghề lặn biển - nghề cho thu nhập cao nhất trên hòn đảo này nhưng vô cùng nguy hiểm. Năm nào cũng có gần 10 thợ lặn biển Lý Sơn mất mạng. Hơn 5 năm làm nghề này, vợ chồng anh cũng mua sắm được nhiều đồ đạc và sửa được ngôi nhà (trên đất nhà chồng chia cho). Nhưng khi anh ra đi thì khối tài sản ấy không còn thuộc về chị Hường nữa.

Nhắc đến chuyện “phân chia tài sản”, chị nói: “Sao mà làm vậy được? Anh ấy là con trai ông bà nội lũ nhỏ, thì số tiền ảnh kiếm được là của ông bà chớ. Ông bà vừa mất con, mình làm vậy thì phải tội với ông bà lắm”.

Trước bộn bề khó khăn, chị Hường vẫn không một lần nghĩ đến khối tài sản mà chồng mình đã chắt chiu kia. Chị bảo: “Tại anh ấy mất sớm quá thôi. Giá anh ấy mất khi thằng lớn nhà em đã có vợ thì mình mới có quyền ở nhà đó”.

 
 
Chị Ngô Thị Hường và con nhỏ tại nhà ngoại.

Trung bình mỗi năm có gần 20 thanh niên Lý Sơn mất xác ngoài biển, để lại cha mẹ già, con thơ và gần 20 góa phụ tay trắng trên hòn đảo chưa đầy 10km2 này. Ông Trần Phúc Sinh - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đảo tiết lộ: “Gần như 100% số góa phụ ở đây không tái giá”. Việc này cho thấy cảnh tay trắng, một thân một mình nuôi con của những người phụ nữ Lý Sơn sẽ còn kéo dài.

Thế nào là “thất đức”?

“Ai lại làm việc thất đức vậy?”. Có đến 3 cán bộ tại Lý Sơn đã bật ra câu nói đó khi tôi đặt câu hỏi: “Tại sao các cán bộ tại đây không tư vấn cho những góa phụ biết để lấy lại phần đóng góp, tài sản để nuôi con?”. Đến các cán bộ còn coi những đòi hỏi chính đáng này là “thất đức” thì những nàng dâu tội nghiệp kia sao dám lên tiếng để lấy lại những cái đáng ra thuộc về mình.
Cầm 10 triệu đồng mà cậu em chồng đưa, chị Nguyễn Thị Nga (có chồng mất tháng Chạp năm ngoái) không nghĩ rằng đó là một phần nhỏ số tiền lẽ ra mình được hưởng, mà chỉ nghĩ đó là số tiền được ban ơn. Từ những chuyến lặn biển của chồng, anh chị có 60 triệu đồng góp cùng bố mẹ chồng dựng ngôi nhà mới trên đất nhà chồng.

Sau khi chồng mất, chị Nga bế con về nhà ngoại. Anh Dũng - em chồng chị - cũng là người biết nghĩ nên đã vay mượn được 10 triệu đồng đưa cho chị. Cầm tiền, chị bảo: “Chú ấy rộng bụng đưa tiền thì mình cảm ơn chớ chú ấy không đưa thì cũng biết vậy”.

Hai anh em Thảo – Nhi (con chị Ngô Thị Hường) hiện thằng lớn (5 tuổi) phải trông thằng bé (1 tuổi) để mẹ đi làm sớm. Lúc mẹ về chìa ra 2 chiếc bánh tráng mỏng tang, chúng vồ lấy nhai ngốn ngấu vì sáng mẹ đi sớm không kịp cho ăn. Nhìn cảnh ấy, và nhớ lại lời mấy cán bộ, tôi chợt nghĩ: “Giữa việc đòi lại quyền lợi cho những góa phụ và việc để lũ trẻ nhỏ sống khổ cực việc nào thất đức hơn việc nào?”.

Theo UBND huyện đảo Lý Sơn, ở đảo này hiện có khoảng 200 góa phụ dưới 40 tuổi đang phải nuôi con nhỏ. Trên đảo chỉ có nghề nông (trồng tỏi) là nghề dành cho phụ nữ, đảo có diện tích canh tác rất hẹp (2.200 người/km2) nên các góa phụ và các con đều sống ở mức nghèo đói.
Theo luật sư Hồng Bách (Văn phòng Luật sư Hồng Bách và cộng sự), nếu các cặp vợ chồng sống trên đất nhà chồng, nhưng đã được chia và có sổ đỏ hoặc đóng thuế đất liên tiếp 10 năm... thì khi chồng mất, theo Luật Hôn nhân - Gia đình, Luật Dân sự, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi, phần còn lại của người chồng được chia theo hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, bố mẹ, con... Tuy nhiên, đa phần các cặp vợ chồng sống trên đất nhà chồng nhưng chưa có sổ đỏ riêng nên chỉ có thể lấy phần đóng góp trên đất hoặc tài sản mua trong gia đình (Lê An).
Tuấn Lệ (danviet.vn)

Phân loại tin: