Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, muốn đẩy mạnh việc nghiên cứu, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản cần có những đầu tư cho công cụ nghiên cứu môi trường nước và điều tra cập nhật lượng thủy sản.
Hiện nay, ngành Thủy sản đã hoàn thiện công nghệ sản xuất giống ở một số đối tượng chủ lực, làm chủ công nghệ sản xuất giống và công nghệ nuôi các đối tượng thủy sản truyền thống và bước đầu đã đưa ra được công nghệ sản xuất giống đối với một số đối tượng mới, có giá trị kinh tế cao.
Ngành đã nghiên cứu và bước đầu tạo ra công nghệ, thiết bị nuôi cá biển trong lồng ở vùng biển hở, nghiên cứu và chiết xuất các hợp chất thiên nhiên để sản xuất thành công một số chế phẩm trị bệnh cho tôm nuôi và cá tra. Tạo ra các giải pháp quản lý nguồn nước, môi trường để giảm các tác nhân gây bệnh và hạn chế sự lây truyền dịch bệnh tại các vùng nuôi thủy sản, tạo công nghệ chế biến thức ăn thô, thức ăn tổng hợp nuôi một số loại thủy sản truyền thống. Bên cạnh đó, đã thiết kế và chế tạo một số máy móc, thiết bị phục vụ trên tàu khai thác thủy sản…
Nhưng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, với đặc điểm bờ biển dài, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một công cụ hữu hiệu để có thể khảo sát toàn bộ lượng thủy sản và có những đánh giá về mức tăng trưởng cụ thể của lượng thủy sản này để có thể lên kế hoạch đánh bắt ở từng vùng biển vào từng mùa. Bên cạnh đó cũng chưa có một công cụ thật hữu hiệu để nghiên cứu từng môi trường nước, đặc biệt trong điều kiện môi trường nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu hiện nay. Không hiểu biết rõ về môi trường nước, sẽ khó đưa ra những quyết định đúng đắn để nuôi dưỡng và phát triển sản lượng thủy hải sản.
Vì vậy, Bộ NN và PTNT đã đặt trọng tâm nghiên cứu khoa học giai đoạn 2011 – 2015 cho ngành Thủy sản là giống và kỹ thuật nuôi trồng thủy sản ở cả 3 khu vực: ven biển, nước lợ và nước ngọt.
Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ đánh bắt, mở rộng phương thức đánh bắt xa bờ và kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản để đảm bảo phát triển bền vững. Đồng thời sẽ thực hiện quyết liệt hơn việc chế biến, tiêu thụ thủy sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học trong ngành Nông nghiệp nói chung và ngành Thủy sản nói riêng, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cũng đưa ra kiến nghị ngoài kinh phí hạn hẹp hiện nay, có thể tăng kinh phí cho nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp bằng cách trích từ nguồn thu kinh doanh xuất khẩu các ngành hàng nông nghiệp.
Việc đầu tư trở lại này cũng là lẽ thuận vì có đầu tư cho nghiên cứu khoa học thì mới cho chất lượng và sản lượng nông lâm thủy sản cao, đáp ứng các nhu cầu ngày một khắt khe của thị trường thế giới./.