Công việc tại NGOs như thế nào ?
Tại VN có khoảng hơn 1500 tổ chức NGOs trong nước và quốc tế, tuy nhiên trong bài báo này chúng tôi chỉ để cập tới các tổ chức NGOs quốc tế lớn, có uy tín và hoạt động về nhân đạo, các tổ chức như thế tại Việt Nam có thể kể ra là: Oxfam, Pathfinder, Plan, Clinton Foundation, Orbit, Habitat for Humanity in VN, East meets West, Qũy cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, AMDA - MINDS, Operation Smile (rất nhiều sinh viên FTU làm tình nguyện cho tổ chức này).…. Cơ cấu của một NGO có thể linh hoạt tùy theo quy mô lớn nhỏ của từng tổ chức. Với các NGOs thiên về hoạt động nhân đạo như phát triển cộng đồng, hỗ trợ y tế… thì cơ cấu thường gồm 1 trưởng đại diện phụ trách 2 mảng chính: chương trình và hành chính.
Công việc của nhân viên trong bộ phận chương trình là điều hành các dự án của NGOs, các nhân viên trong bộ phận này thường phải đi nhiều nơi, giao tiếp với nhiều tầng lớp trong xã hội từ chính quyền cho tới đồng bào vùng sâu vùng xa, làm việc với người nước ngoài. Do đặc điểm này nhân viên chương trình có điều kiện rèn luyện sự chín chắn, tự tin và đặc biệt là lối sống vì cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên mặt trái của vị trí này là thường xuyên phải đi công tác, có thể phải xuống các vùng sâu vùng xa ăn ở cùng người dân nên thời gian dành cho gia đình bị ảnh hưởng nhiều. Thường chỉ những ai thực sự muốn cống hiến cho xã hội và cộng đồng mới thích hợp với vị trí này.
Công việc của các nhân viên bộ phận hành chính cũng giống với công việc văn phòng công ty. Các tổ chức NGOs quốc tế (INGOs) có chế độ đãi ngộ ngoài lương tốt, cộng thêm với việc ổn định và tương đối ít áp lực. Tuy nhiên, mảng tài chính của NGOs nhân đạo không phức tạp như các doanh nghiệp nên sẽ không học được nhiều về nghiệp vụ. Điều này khiến bạn gặp nhiều khó khăn nếu muốn chuyển sang làm cho doanh nghiệp
Thu nhập tại NGOs?
Trở thành nhân viên các tổ chức NGO lớn đồng nghĩa với việc thăng tiến từ từ, cuộc sống luôn khấm khá, nhưng cũng không giàu hẳn như khối business. Mức lương của các tổ chức NGOs lớn thường vào khoảng như sau: nhân viên mới: 300 – 500USD. Nhân viên 3-5 năm: 600 – 800USD, tuy nhiên mức lương này thường đòi hỏi bạn phải có bằng Master, khả năng quản lý dự án tốt và thường xuyên phải đi công tác dài ngày ở các tỉnh vùng sâu vùng xa. Nhân viên 6-10 năm: 800 – 1,000USD. Chuyên gia: 1,500 – 3,000USD, trưởng đại diện tại VN: 5,000 – 6,000USD.
Làm thế nào để xin vào các tổ chức NGO?
Tương đối khó cho sinh viên mới ra trường khi xin vào các NGOs uy tín. Các tổ chức này thường đòi hỏi kinh nghiệm từ 2 năm trở lên tại các vị trí tương tự. Đối với các NGOs hoạt động về nhân đạo, một cách cho sinh viên đó là xin làm tại vị trí thực tập sinh - Internship (các NGOs có thể chấp nhận sinh viên năm thứ 4) sau khoảng 1 năm làm Intership, nếu thành công bạn có thể chuyển sang làm trợ lý dự án Assistant (lúc này bạn đã được công nhận là thành viên của NGOs và có lương khoảng 300$). Điểm yếu của các NGOs nhân đạo là bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển sang làm kinh doanh do tính chất công việc và môi trường công tác khác nhau.
Xin được trích dẫn ý kiến của một số anh chị đang làm việc tại NGOs thay cho phần kết
Chị Hoàng Thu Hương - cựu sinh viên FTU – nguyên cán bộ tài chính của Qũy cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, hiện đang du học tại Anh - Chị nghĩ nếu là phụ nữ và mong muốn ổn định thì có thể làm lâu dài cho NGOs với vị trí kế toán hoặc hành chính (vị trí bên chương trình thì sẽ hiểu biết nhiều hơn nhưng cũng vất vả hơn nhiều, vì thường xuyên phải đi công tác).
Chị Đỗ Mỹ Anh – cựu sinh viên FTU –Program officer của Operation Smile: Nhìn chung công việc của NGO là phải công tác nhiều, nên thời gian dành cho gia đình nhiều khi cũng bị giảm bớt đi. Có nhiều người phụ nữ khi có gia đình rồi thì không làm cho NGO, đặc biệt là bộ phận thực hiện chương trình nữa, nhưng cũng không ít người vẫn theo đuổi nếu có khả năng về quàn lý công việc và quản lý thời gian rất tốt.
KEN & Yubi