Từ người bán mắm…
Tiếp chúng tôi, chị Hồng kể, khi chị vừa mới sinh ra cũng là lúc người cha bỏ mẹ và 7 anh chị em trong gia đình ra đi mãi mãi. Thế là người mẹ của chị phải còng lưng nuôi 7 chị em của chị Hồng ăn học. Nhà nghèo, các chị em trong gia đình, vừa phải chia nhau ra làm việc để kiếm cái ăn và kiếm tiền thuốc thang cho mẹ.
Mỗi ngày, cả 7 chị em phải thức dậy từ sáng sớm để gánh mắm đi bán khắp các xã của huyện Thăng Bình và cả huyện Duy Xuyên, có khi vào tận Tam Kỳ hay đi đò qua Hội An để bán cho đến trời mù mịt tối mới về. Bán mắm vốn là nghề chính của người dân nơi đây, thế nhưng dù cực khổ, buôn bán khắp nơi, song hầu hết người dân vẫn rất nghèo.
Rồi anh em trong nhà ngày một lớn, mỗi người mỗi phương lấy vợ, lấy chồng. Một thời gian sau, thấy đi bán mắm cực khổ mà lời lãi chẳng được bao nhiêu, sức khỏe ngày một yếu, chị quyết định vào Nam kiếm việc làm và lấy chồng. Trong một lần đi bán nước mắm, chị làm quen với một số người cùng nghề quê ở tỉnh Ninh Thuận, được họ giới thiệu nghề làm cá cơm luộc xuất khẩu có thu nhập cao. Chị nghĩ đến nguồn cá cơm, cá nục rất dồi dào tại quê nhà, xưa nay đa phần chỉ để làm mắm bán chứ chưa biết đến việc luộc cá để xuất khẩu.
Đến triệu phú làng chài
Sau khi nảy sinh ý tưởng trên, chị Hồng đã bàn với chồng về quê vay ngân hàng được 50 triệu đồng, ban đầu chị xây dựng một xưởng nhỏ tại quê hương mình ở thôn Tân An, xã Bình Minh. Bước đầu, chị chủ yếu lấy uy tín và kinh nghiệm, dần dần, chị tìm kiếm được thị trường tiêu thụ và phát triển thêm một doanh nghiệp nữa ở xã Bình Minh rồi sau đó mở rộng thêm một cơ sở ở huyện Duy Xuyên.
Chị kể: “Những ngày đầu thành lập doanh nghiệp hết sức vất vả vì không có kinh nghiệm cộng với việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ khó khăn. Hơn nữa, thương hiệu của mình cũng chưa có, nên chưa có nhiều đơn đặt hàng”.
Ban đầu, chị Hồng sản xuất 200 vỉ mỗi ngày với lượng cá khoảng 2 tạ, đến nay mỗi ngày 3 cơ sở của chị sản xuất khoảng 3 tấn cá. Sản phẩm cá luộc của chị đã có mặt tại các nước như Trung Quốc, Singapore, Lào… mỗi năm thu lãi trên 500 triệu đồng.
Ba cơ sở của chị còn giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động với khoản thu nhập đạt hơn 3 triệu đồng/người/tháng, nhiều chị em tranh thủ làm thêm thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng.
Chị Hồng bộc bạch: “Đời tôi khổ rồi. Do đó, tôi luôn phấn đấu để kinh tế gia đình ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc nhiều chị em phụ nữ khó khăn, có hoàn cảnh như tôi trước đây có việc làm và thu nhập”.
“Có thể nói, mô hình kinh doanh của chị Hồng là một điểm sáng của huyện nghèo Thăng Bình. Mấy năm nay, chúng tôi đã triển khai cho chị em học tập và đã có nhiều chị tham gia bước đầu thu được hiệu quả”. (Chị Lê Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thăng Bình)
Ưu Đàm (danviet.vn)