Ngư dân mất đường ra biển
Từ khi Công ty cổ phần và phát triển công nghệ Việt Nam được tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp phép xây dựng khu du lịch sinh thái ven biển ở thôn Hòa Duân (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang), hàng trăm hộ ngư dân lo đến mất ăn mất ngủ.
Dự án này được cấp phép vào tháng 9.2010 với diện tích 64ha, trên chiều dài gần 1,4km dọc theo bờ biển. Việc triển khai dự án này khiến hàng loạt tuyến đường ra biển của ngư dân nơi đây bị bịt kín.
Ông Nguyễn Hải - người dân thôn Hòa Duân, cho biết, gia đình ông làm nghề đánh bắt gần bờ, thường ra biển bằng 3 tuyến đường. Tuy nhiên, hiện cả 3 tuyến đường này đều đã nằm trong đất khu du lịch của Công ty cổ phần và phát triển công nghệ Việt Nam.
“Việc những tuyến đường ra biển bị bịt kín, ngư dân chúng tôi chỉ còn cách bốc cát mà ăn”- ông Hải bức xúc. Không chỉ gia đình ông Hải mà gần 500 hộ ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ ở thôn Hòa Duân cũng đang hoang mang bởi sắp tới họ không còn đường để ra biển đánh cá.
Trước bức xúc của người dân, chủ đầu tư dự án cho biết sẽ mở hai tuyến đường ngang ở hai đầu khu du lịch để người dân có đường ra biển. Tuy nhiên, việc mở các tuyến đường này không giải quyết được khó khăn của ngư dân bởi họ phải đi một quãng đường rất xa mới ra tới biển, trong khi mỗi lần đi đánh cá họ phải mang vác từ 2-3 tạ ngư lưới cụ.
Tại Quảng Nam, dải đất ven biển thuộc TP.Hội An và huyện Điện Bàn được coi là dải đất vàng của du lịch. Các dự án du lịch đã chen nhau “phân lô” gần như kín dải cát ven biển này. Cũng “may” là còn nhiều dự án “treo” nên không gian ven biển này còn chưa bị bịt kín bởi các công trình du lịch. Tuy vậy tại nhiều nơi, đường ra biển lâu đời của ngư dân đã bị xóa sổ.
Ngư dân Trần Cường (thôn Hà Quảng Đông, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn) tiếc nuối: “Dải cát ven biển này ngày xưa là rừng phi lao chắn cát. Hàng bao đời những làng chài ven biển nhờ rừng cây đó mà ở yên lành. Từ khi dự án du lịch đến, rừng bị chặt trụi, gió từ biển mang cát vào lấp lên cuộc sống của ngư dân. Đã vậy, những con đường ra biển của ngư dân cũng bị bít kín. Biển thì thấy đó mà muốn ra biển phải vòng vèo xa xôi, vất vả”.
Ngư dân Võ Đình Tùng (thôn Hà My Đông B, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn) than vãn: Mỗi lần muốn đưa ngư cụ ra biển, chúng tôi phải dùng xe bò chở vòng qua khu resort khoảng hơn 2km đường mới ra đến biển. Sống sát biển mà phải khổ như thế đó...
Biển của những ông chủ dự án
Ông Nguyễn Ngọc Duyên - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Dương, cho biết: “Mỗi khu resort hay khu nghỉ dưỡng chiếm đất ven biển nhỏ cũng 5ha, lớn đến vài chục ha. Xã Điện Dương của chúng tôi có 6,8 km bờ biển và đã bị bịt kín bởi các dự án du lịch. Sau khi được chấp nhận cho phép đầu tư, các chủ dự án nhanh chân treo bảng vẽ quy hoạch, giăng lưới, xây rào, từ đó đường ra biển của dân bị cắt đứt và việc đi lại qua bãi biển này cũng bị đình trệ. Đất ven biển đã không còn của ngư dân nữa rồi.
Khổ nỗi, dân địa phương thì bị đẩy ra khỏi bãi biển nhưng đất rơi vào tay các ông chủ dự án phần lớn cũng bị bỏ không, vì 5 dự án mới có một cái được thành hình hài. Đất ven biển nhiều diện tích bỏ không nhưng bị khoanh chiếm rào giậu hết.
Tại Thừa Thiên - Huế, khi đất ven biển đã rơi vào tay các chủ dự án thì ngư dân địa phương đến lai vãng qua khu đất này cũng không được. Thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) hiện có hơn 15 dự án du lịch được cấp đất xây dựng dọc theo bờ biển. Các dự án này được xây dựng liền khít nhau trên chiều dài nhiều km dọc theo bờ biển đã bít hết các tuyến đường ra biển của người dân. Tình trạng này khiến người dân rất khó khăn trong việc đi ra bãi biển để tắm rửa, đánh bắt.
Người dân thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) rất bức xúc trước tình trạng họ bị nhân viên bảo vệ của khu resort Ana Mandara xua đuổi khi xuống bãi biển trước mặt resort này để tắm, chơi thể thao. Khi người dân thắc mắc thì lực lượng xua đuổi nói bãi biển này đã được cấp cho resort nên chỉ những du khách lưu trú tại resort mới được tắm tại bãi biển này.
Ông Trần Quý - một người dân thị trấn, bức xúc: “Từ khi các khu resort mọc lên sát nhau dọc theo bờ biển, đường ra biển của chúng tôi bị chặn hết. Chúng tôi muốn ra biển thì phải băng qua phần đất của các resort, nhưng lúc mô băng qua cũng bị họ xua đuổi, dọa đánh. Sống ở thị trấn biển mà muốn tắm biển cũng không dễ dàng”.
Không chỉ sinh hoạt của người dân xáo trộn mà hoạt động kinh doanh của các khách sạn nằm dọc Quốc lộ 1A ở thị trấn Lăng Cô cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nguyên nhân là bởi du khách trú tại khách sạn muốn ra biển phải đi qua các khu du lịch nhưng bị các cơ sở này ngăn cản, xua đuổi, dẫn đến việc khách chuyển chỗ trú.
Theo thống kê, hiện có đến 64 khách sạn nằm dọc Quốc lộ 1A ở thị trấn Lăng Cô điêu đứng vì mất khách bởi các tuyến đường ra biển bị các khu du lịch bịt kín. Nhiều du khách tìm cách ra được biển để tắm và thưởng ngoạn thì bị một số khu khu du lịch thu phí mặc dù bãi biển không nằm trong diện tích đất được cấp phép của những cơ sở này.
(Còn nữa)
An Sơn - Trương Hồng (danviet.vn)