Hội thảo tham vấn về định nghĩa và hệ thống xác minh gỗ hợp pháp trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU tại Quy Nhơn

 Ngày 10 tháng 8 năm 2012, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn đã chủ trì Hội thảo tham vấn về định nghĩa và hệ thống xác minh gỗ hợp pháp trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA/FLEGT) với Liên minh Châu Âu (EU) tại Quy Nhơn.
          Đây là hội thảo tham vấn với các doanh nghiệp trồng rừng và chế biến gỗ thực hiện theo lộ trình đàm phán VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU nhằm giới thiệu, thảo luận và tham vấn về các nội dung của hiệp định. Hội thảo được sự tài trợ của tổ chức GIZ và WWF, do Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT phối hợp với Văn phòng Điều phối Đối tác Hỗ trợ ngành Lâm nghiệp thực hiện. Hội thảo đã thu hút khoảng 100 đại biểu, đại diện cho các doanh nghiệp chế biến gỗ đến từ Hiệp hội gỗ Bình Định, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, v.v…, các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp tại địa phương, đại diện Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp,  Văn phòng điều phối FSSP và các tổ chức quốc tế như GIZ, WWF, EFI.

            Các bên tham gia Hội thảo thống nhất nhận định chung về ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam đang giảm nhanh sự phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trước bối cảnh thay đổi chính sách về thị trường như Luật Lacey của Hoa Kỳ, Qui chế về gỗ 995/2010 của EU theo hướng yêu cầu các doanh nghiệp khi xuất khẩu đồ gỗ vào các thị trường này phải khai báo và thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp, các doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ để thích ứng với thay đổi của thị trường. Các doanh nghiệp đã bày tỏ sự ủng hộ việc Chính phủ Việt Nam đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU và nhất trí cao với lộ trình và nội dung đàm phán của Việt Nam.  

 

             Tại Hội thảo Thứ trưởng Hà Công Tuấn đã phát biểu “Việc tham gia Hiệp định VPA/FLEGT mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam như tiết kiệm thời gian, tiền bạc, uy tín trên thị trường, theo đó giá cả trên thị trường cũng tốt hơn. Đây là xu hướng tất yếu, các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ vào EU càng tuân thủ sớm càng có nhiều lợi ích hơn, tuy nhiên ban đầu chắc chắn sẽ có nhiều vướng mắc và khó khăn cho doanh nghiệp. Đến ngày 3/3/2013 khi Qui chế 995 của EU có hiệu lực và  ngay cả khi Việt Nam và EU đã ký VPA/FLEGT, các doanh nghiệp có quyền lựa chọn cấp giấy phép FLEGT hoặc không. Đối với doanh nghiệp đã được cấp phép FLEGT về cơ bản sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình từng lô hàng".

Để thực hiện tốt lộ trình và nội dung đàm phán, Thứ trưởng đã chỉ đạo Văn phòng thường trực FLEGT và LACEY và các cơ quan có liên quan tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình tham vấn để giúp cho Đoàn đàm phám tiến hành một cách minh bạch, Cục Kiểm lâm sớm tham mưu cho Bộ NN và PTNT hoàn thiện hệ thống quản lý phù hợp, quy định của  Pháp luật và FLEGT có hiệu lực vào tháng 3 năm 2013. Đề nghị các doanh nghiệp tăng cường hợp tác và phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc đến Văn phòng FLEGT&LACEY để  quá trình đàm phán có hiệu quả cao nhất.

            Ngày 11/8/2012 các đại biểu dự hội thảo đã tham quan mô hình tổ chức kiểm soát Chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) của Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt. Đây là công ty sử dụng gỗ đã được chứng chỉ FSC nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang thị trường EU. Mô hình kiểm soát CoC chặt chẽ và là kinh nghiệm tốt cho xây dựng hệ thống TLAS của Việt Nam.

Vụ KHCN&HTQT, Tổng cục Lâm nghiệp
 

Phân loại tin: