FDI vào khai thác biển: Nhất tiễn song điêu

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng bộ Thuỷ sản (cũ) nhận xét trên một bài phỏng vấn mới đây rằng: xuất phát điểm trong ngành khai thác biển của Việt Nam hiện nay "thấp toàn diện", không chỉ ở cơ sở hạ tầng mà còn khâu kỹ thuật, quản lý...

Theo đó, Tiến sĩ Minh cũng đề xuất Việt Nam nên đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nước ngoài nhằm giúp ngành khai thác biển Việt Nam vượt qua những khó khăn hiện tại.

Những nút thắt từ trong ra ngoài

Thời gian qua, mặc dù nhà nước cũng như chính quyền các địa phương đã thực thi nhiều chính sách nhằm ổn định cuộc sống ngư dân nhưng tình hình ngành khai thác biển vẫn chưa có nhiều biến chuyển lạc quan. Đầu tiên là khó khăn về giá cả xăng dầu liên tục leo thang. Theo báo cáo của Trung tâm thông tin thủy sản, trong 6 tháng đầu năm tăng 1,3 triệu tấn, tương đương 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên nguồn sản lượng chính nhờ vào khâu khai thác mạnh trong tháng 2 và tháng 3 tại khu vực miền nam bởi thời tiết thuận lợi.

Tuy nhiên, khi nguồn lợi từ sản lượng tăng lên chưa đủ "đô" thì giá xăng dầu tăng liên tục làm ngư dân "xám mặt". Việc tăng giá mỗi lít xăng dầu gần một ngàn đồng dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng, khi mỗi chuyến đi dù chưa đánh bắt được con cá nào thì ngư dân phải chi trả thêm hàng chục triệu đồng. Cộng với tình hình giá rét kéo dài trong ba tháng đầu năm ở khu vực miền Bắc khiến không ít tàu thuyền đánh bắt "gác chèo, tắt máy".
Bên cạnh đó, vấn đề về vốn hiện nay được đánh giá là cốt lõi cho hoạt động khai thác biển Việt Nam. Với nguồn vốn khiếm tốn hiện tại, ngành khai thác biển đang đứng trước nguy cơ "khát" ngư trường, bởi yêu cầu đánh bắt xa bờ khó đảm bảo khi cơ sở hạ tầng, yêu cầu kỹ thuật trong khai thác... rất hạn chế. Các mô hình đánh bắt nhỏ lẻ, lạc hậu ở các ngư trường gần bờ truyền thống đã trở nên thiếu hiệu quả trầm trọng.

 
 
Đội tàu cá Việt Nam được trang bị thô sơ. Ảnh SGTT

Tuy báo cáo mới nhất của trung tâm thông tin thủy sản cho thấy việc khai thác trong nửa đầu năm 2012 khả quan hơn với sản lượng tăng 4,1% so với năm 2011. Tuy nhiên con số đó chưa đánh giá được hết tiềm năng của ngành biển Việt Nam.

Nói một cách công bằng, đó chỉ là lượng "cá nổi", trong khi "cá chìm" thì năng lực ngành khai thác chưa chạm tới. Đó là chưa kể đến những khó khăn về khâu thông tin, bảo quản, chế biến... của Việt Nam còn thua xa những nước phát triển, gây hao mòn không ít về sản lượng lẫn chất lượng sau khi đánh bắt.

Gần đây nhất, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đã trình bày dự án tàu sắt cho ngư dân khu vực Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trái với niềm hi vọng rằng đây là công cuộc "đổi đời", "đổi thời" cho ngư dân trong trang thiết bị, đa số những ngư dân lại ngao ngán, không mặn mà với đề án.

Sau quá trình mổ xẻ dư luận, những yếu kém, bất cập trong khâu tổ chức và khó khăn về vốn bắt đầu được đưa ra ánh sáng. Đầu tiên, đề án được âm thầm tiến hành, nghiên cứu mà không có một khảo sát nào về phía người dân. Thế nên những khó khăn từ phía ngư dân chưa được chạm tới. Tình trạng này khiến Vinashin dường như đang "cầm còi chạy trước ô tô" khi đang sản xuất ra tàu sắt - phương tiện "xa xỉ" đối với ngư dân hiện tại. Cụ thể là về giá cả "trên trời" của tàu sắt. Theo giá thị trường, đóng một tàu gỗ 700 - 800CV, chi phí trên dưới 3 tỉ đồng nhưng phải tốn 5-7 tỉ đồng mới có một chiếc tàu sắt chỉ 400CV.

Đây là trở ngại lớn nhất, khiến "giấc mơ" của nhiều ngư dân tan thành mây khói. Với tình hình nền kinh tế đang bị "nợ xấu" bám lấy, nợ công tăng cao, các doanh nghiệp đua nhau "đóng cửa" còn ngân hàng thì thắt chặt tín dụng bất chấp nhà nước lệnh hạ lãi suất... thì việc vay vốn mua tàu sắt là điều ngư dân rất e dè. Đó là chưa kể, việc phát triển kỹ thuật tàu sắt không đồng bộ - sản xuất nhưng chưa đảm bảo khâu hướng dẫn sử dụng, bảo trì sửa chữa... nên đa phần ngư dân lo lắng sẽ rước "đống sắt vụn" về nhà, lại mắc nợ ngân hàng không khả năng chi trả. Thế nên, tàu gỗ vẫn là lựa chọn an toàn nhất, ít ra là trong giai đoạn giá cả yếu tố đầu vào đắt đỏ, kinh tế nhà nước khó khăn như hiện nay.

Chưa dừng ở đó, lá bài "chuyển lửa ra ngoài" của Trung Quốc thời gian qua ở Biển Đông đã khiến tình hình đánh bắt của nhiều ngư dân gặp nhiều trở ngại. Việc liên tục dùng vũ lực trên biển nhằm "đánh lạc hướng" những bất ổn nội tại trong nước của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến an ninh các ngư trường pháp lý "xưa nay" của người Việt.

Đặc biệt, "ảo mộng" về ngư trường 'Tam Sa' khiến Trung Quốc không ngại vũ trang cho khoảng 9000 tàu cá - được xem là lực lượng quân sự dám đối đầu với sự hợp nhất của tất cả các nước tranh chấp Biển Động. Tàu đánh bắt thô sơ, ngư dân gặp khó khi đối diện với tàu Trung Quốc, thậm chí có lúc họ phải đối mặt với sự giam cầm bất hợp pháp của "ngư dân" người Hoa, hoặc nhẹ hơn là người trở về nhưng "tàu thuyền mất trắng".

Đầu tháng 7 vừa qua, nhiều ngư dân trắng tay gánh nợ khi 3 tàu cá mới cùng ngư cụ và hải sản trị giá hơn 4,1 tỉ đồng đã "một đi không trở lại" trên chính vùng ngư trường họ gắn bó trong suốt mấy chục năm qua.

Chưa kể với 30 chiếc tàu công suất lớn và hiện đại, Trung Quốc nhanh chóng thâu tóm, mộng làm bá quyền khu vực biển Đông, khai thác sản lượng lớn gây lo ngại về sự cạn kiệt nhanh chóng của ngư trường khu vực biển Đông trong tương lai.

Thu hút đầu tư nước ngoài: "nhất tiễn song điêu"

Về nội tại, tất nhiên Việt Nam phải tiến hành đồng bộ hàng loạt các giải pháp để giải quyết khó khăn ngành khai thác biển như hạ lại suất, phổ cập giáo dục, thông tin kỹ thuật mới cho ngư dân, thiết lập mô hình nhóm lợi ích khai thác biển dưới sự quản lí của nhà nước nhằm tăng cường sự mạnh dạn của ngư dân trong đầu tư, lẫn bảo vệ nhau khi ra biển... Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài được xem là giải pháp khá hợp thời và đảm bảo sự nhanh chóng trong chính sách giải cứu ngành khai thác biển.

Thực tế, Thái Lan từng đầu tư vào khai thác biển Việt Nam. Tuy nhiên, cơ chế quản lý yếu kém khiến tàu giả tràn lan khiến việc đầu tư nước ngoài khai thác biển bị dừng lại.

Thế nhưng, xét trong bối cảnh hiện tại, thu hút đầu tư nước ngoài giải quyết được hai vấn đề mà nhà nước lẫn ngư dân đang rất đau đầu.

Thứ nhất, khi mở cửa để nguồn vốn nước ngoài chảy vào, vấn đề vốn kéo theo cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, phương tiện đánh bắt, cơ sở bảo quản chế biến, cơ chế quản lí... nhanh chóng được giải quyết. Chính những e ngại về việc tiếp cận với phương tiện kỹ thuật cao của ngư dân do tình trạng "không ai hướng dẫn, không ai làm cùng" sẽ không còn, khi chính người nước ngoài tạo điều kiện cho ngư dân tiếp xúc, thực hành và ra biển với phương tiện kỹ thuật tối tân hơn. Từ đó, ngư dân thu về sản lượng cao hơn. Đó là chưa tính đến lợi ích nền kinh tế nhà nước nhận thêm một khoảng đầu tư lớn, kích thích cầu thị trường trong bối cảnh giảm phát, làm tăng tính thanh khoản, thông suốt thị trường.

Thứ hai, khi các yếu tố nước ngoài, điển hình như Nga, Mỹ... tham gia đầu tư vào khai thác biển Việt Nam đồng nghĩa quyền lợi của họ gắn liền với các ngư trường Việt Nam. Vấn đề biển Đông không còn là vấn đề chỉ của Việt Nam hay Philippine mà còn là lợi ích của nhiều nước khác. Tất nhiên khi đó, nếu Trung Quốc có những động thái động chạm đến "lợi ích chung" thì họ không khoanh tay đứng nhìn.

Sẽ có suy nghĩ cho rằng liệu đầu tư nước ngoài có "làm cạn" ngư trường Việt Nam? Điều này Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát thông qua những biên bản quy ước hay những hợp đồng thương mại quốc tế. Dẫu lợi ích có chia đôi, chia ba nhưng về lâu dài, lợi ích về công nghệ, trình độ dân trí, vấn đề an ninh biển Đông cho ngư dân... thì ở cuộc chơi này, Việt Nam vẫn có lợi hơn là "bơi tàu gỗ", thậm chí trắng tay đứng nhìn tàu trọng tại khủng của Trung Quốc tung hoành.
-----------------
Tác giả: ĐỖ THIỆN - HOÀI THƯƠNG // Nguồn: Tuần Việt Nam

Phân loại tin: