Bảo tồn đa dạng sinh học xuyên biên giới Tiềm năng và chính sách


Theo định nghĩa của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), khu bảo tồn xuyên biên giới (BTXBG) liên quốc gia (TBPA) là vùng trên đất liền hay trên biển có hai hoặc nhiều đường biên giới chung giữa các quốc gia, các đơn vị lãnh thổ như tỉnh, vùng, vùng tự trị hoặc các vùng nằm ngoài giới hạn chủ quyền và phạm vi quốc gia, có vai trò bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa, được hợp tác quản lý thông qua luật pháp hoặc các biện pháp khác.
Thành lập khu bảo tồn liên quốc gia trên đất liền và trên biển nhằm cải thiện mối quan hệ và công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quốc tế. Các hệ sinh thái và động thực vật hoang dã ở đây không có ranh giới chính trị, đặc biệt trên biển và đại dương. Do vậy, quản lý và bảo vệ thiên nhiên phải được coi là nhiệm vụ quốc tế, của khu vực và của các quốc gia láng giềng, đặc biệt tại các vùng biên giới tiếp giáp.
Hợp tác quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã phát triển mạnh và luôn được coi là vấn đề quan trọng trong các đàm phán ngoại giao, đa phương và song phương. Rất nhiều công ước quốc tế quy mô toàn cầu, khu vực đã được ký kết như Công ước Di sản, Công ước Ramsar, Công ước Đa dạng sinh học, Chương trình ủy ban con người và sinh quyển MAB của UNESCO...
Việt Nam có đường biên giới lục địa với Trung Quốc, Lào, Camphuchia và trên biển với nhiều quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Philipin, Malaixia, Campuchia, Inđônêxia, Thái Lan, Brunei... Hiện tại, Việt Nam có đến gần 200 khu bảo tồn thiên nhiên - đa dạng sinh học, phân bố trên cả nước, trong đó có 30 vườn quốc gia, hơn 140 khu rừng đặc dụng, 16 khu bảo tồn biển, 1 di sản thiên nhiên thế giới, 4 khu Ramsar, 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới, đó chính là cơ sở thiết lập các khu TBPA với các quốc gia láng giềng trên đất liền và trên biển.
Lợi ích thành lập khu BTXBG
TBPA được quản lý hợp tác giữa 2 hoặc nhiều quốc gia hoặc các đơn vị quốc gia. Hợp tác có thể từ chia sẻ các thông tin điều tra cơ bản về đa dạng sinh học, cho đến hợp tác đầy đủ toàn diện với việc đưa ra quyết định chung. TBPA - khu vực được bảo vệ, có nghĩa là họ được quản lý theo một tiêu chí của IUCN và được bảo vệ, quản lý cấp khu vực và quốc gia trong nước có liên quan. Hợp tác và phối hợp quản lý TBPA giúp nâng cao hiệu quả cao hơn về tài chính và nguồn nhân lực, cũng như giải quyết vấn đề xảy ra. Mặc dù không có tiêu chuẩn hay quy ước quốc tế về thiết lập TBPA, có rất nhiều loại quy định khác của pháp luật đóng vai trò trong việc thành lập và quản lý, bao gồm cả luật pháp quốc tế, chính sách quốc gia và địa phương, pháp luật, quy định, hương ước truyền thống, thỏa thuận hợp tác (dựa trên thỏa thuận đa phương, biên bản ghi nhớ, cơ chế khu vục, điều ước quốc tế) hoặc thỏa thuận kinh tế, thỏa thuận chính thức (đại diện hỗn hợp trong ban cố vấn của nhau, hợp tác thân thiện giữa nhà quản lý...). Đặc biệt, TBPA có tầm quan trọng về đa dạng sinh học như các khu vực bảo vệ rộng lớn, có hiệu quả, cho phép các loài động vật di cư, bảo trì các kết nối phong cảnh, động vật, thực vật và quá trình sinh thái, bao gồm cả con người, có thể di chuyển tự do sang môi trường sống khác. TBPA cũng rất quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách liên kết cảnh quan và cho phép quá trình sinh thái sẽ diễn ra trong các hệ sinh thái bị phân mảnh. Đồng thời, TBPA cho phép kiểm soát tốt hơn các loài sinh vật gây hại hoặc các loài ngoại lai xâm hại, tệ nạn săn bắt trộm và buôn bán trái phép qua biên giới, tái xuất nhập của các loài động vật.
Hiện trang bảo vệ đa dạng sinh học biển xuyên biên giới
Các tổ chức quốc tế như IUCN, Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) đang tích cực thúc đẩy các mô hình khu bảo tồn biển xuyên biên giới từ 30 năm trước (TBMPA) đối với các vùng biển đã phân định ranh giới quốc gia (đối với các vùng còn tranh chấp xung đột biên giới) và khu biển đặc biệt nhạy cảm hàng hải. Với mục tiêu bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học biển xuyên quốc gia, phục vụ phát triển bền vững biển và đại dương.
Các khu TBMPA đã được thiết lập trên thế giới. Điển hình và chuẩn mực nhất về bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển với những thể chế chính sách chi tiết của các quốc gia Đan Mạch, Đức và Hà Lan đối với khu bảo tồn biển Wadden sea. Từ năm 1982, chính phủ 3 quốc gia đã ký hiệp ước hợp tác về bảo tồn đa dạng sinh học biết và hoạt động duy trì bền vững. Sau khi thiết lập TBMPA chung, khu này cũng đã nộp hồ sơ chung cho danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO và danh hiệu PSSA của IMO. Ngoài ra, trên các vùng biển, đại dương thế giới còn có hàng loạt khu TBMPA khác như: Khu các bãi đá ngầm ven biển Trung Mỹ, bao gồm 80 khu bảo vệ giữa các quốc gia của Belize, Guatemala và Mêhicô; Khu Pelagos 100.000 km2 cho cá voi ở biển Liguria của các nước Pháp, Italia và Mônacô... Công viên biển hòa bình (MPP) là sáng kiến mới về BTXBG đối với các quốc gia láng giềng còn đang có tranh chấp về lãnh thổ. Mô hình MPP điểm về hợp tác quốc tế: "MPP Hồng Hải" áp dụng theo đúng nghĩa đen với những gì Ixrael và Jordan đã được công nhận trong phía Bắc Vịnh Aqaba, một vùng biển nửa kín được chia sẻ bởi các quốc gia này. Việc thành lập MPP Hồng Hải kêu gọi các quốc gia đối tác có những nỗ lực nghiên cứu về san hô và sinh vật biển, thực hiện các chính sách và quy định phối họp để bảo vệ các rạn san hô và tài nguyên sinh vật biển.
Khu biển đặc biệt nhạy cảm hàng hải xuyên quốc gia (PSSA): PSSA là các khu biển có giá trị cao về sinh thái, kinh tế xã hội, khoa học giáo dục có nguy cơ bị tổn thương do hoạt động hàng hải quốc tế và được được ủy ban Môi trường của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) công nhận và khoanh định trên bản đồ hàng hải thế giới của Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO). Các tàu thuyền quốc tế phải tuân thủ các hạn chế hàng hải khi ra vào các khu PSSA như không xả thải gây ô nhiễm môi trường biển, định tuyến giao thông, chế độ báo cáo tàu bắt buộc của IMO.
Tiềm năng phát triển khu BTXBG của Việt Nam
Khu vực vịnh Bắc Bộ. Hiện có 4 khu bảo tồn biển quốc gia đã được thành lập gồm: Đảo Trần và Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cồn cỏ (Quảng Trị).
Khu vực biển quần đảo Hoàng Sa. Vùng này có tính đa dạng sinh học cao, tuy còn vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, nhưng Việt Nam có thể đề xuất xây dựng MPP, PSSA tại khu vực này.
Khu vực quần đảo Trường Sa. Khu vực này gồm có: Khu bảo tồn biển Nam Yết, quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và đang đề xuất thêm khu bảo tồn biển Đảo Thuyền Chài. Vùng biển đảo Trường Sa đang có sự tham gia và chiếm giữ các đảo của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể đưa ra đề xuất để các bên liên quan sớm xem xét, lồng ghép mô hình hợp tác MPP, PSSA Trường Sa cho tiểu vùng hay toàn vùng biển quần đảo Trường Sa như là một bước tiến trong công tác bảo tồn thiên nhiên.
 Khu vực vịnh Thái Lan. Gồm: Khu bảo tồn đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Vùng cận biên này có thể đề xuất với tất cả hay riêng rẽ từng quốc gia Campuchia, Malaixia, Thái Lan để xây dựng TBMPA hay PSSA.
Đe xuất chính sách phát triển các khu BTXBG Việt Nam
Việt Nam đã và đang tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, đặc biệt về bảo tồn đa dạng sinh học thì việc thiết lập TBPA, TBMPA, MPP, hay PSSA là rất cần thiết Do đó, các chính sách được đề xuất như sau:
Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, quy hoạch về phát triển TBPA trên đất liền và cả trên biển, lồng ghép vào các chương trình hoạt động bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học quốc gia, quốc tế, các hoạt động ngoại giao và quan hệ quốc tế, các chương trình phát triển bền vững đại dương.
Cần cụ thể hóa chương trình phát triển các khu TBPA trên đất liền, các khu TBMPA, MPP, PSSA trên biển với các quốc gia láng giềng.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất các chính sách riêng biệt cho phù hợp với cả 4 vùng biển vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Thái Lan. Đây là chính sách quan hệ quốc tế quan trọng, định hướng cho công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên biển hợp lý tuân thủ Công ước Luật biển UNCLOS 82, DOC 2002.
Mặt khác, thiết lập cơ chế phối hợp để điều phối, quản lý và phát triển các khu xuyên biên giới trên đất liền và trên biển giữa các cơ quan: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Dư Văn Toán - Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo (nguồn: vea.gov.vn)

Phân loại tin: