Phổ cập VietGAP trong sản xuất tôm, cá tra: Hưởng lợi lâu dài


Hiện nay, tôm thẻ, tôm sú, cá tra đang là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Những mặt hàng này để được các nước nhập khẩu chấp nhận cần phải đạt được các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, SQF 1000, ASC…
Bắt buộc áp dụng VietGAP

Để đạt được các tiêu chuẩn trên, các hộ nuôi trồng thuỷ sản gặp khá nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí. Hiện nay, người nuôi muốn có chứng nhận MSC (của Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế) thì phải trả 100.000USD ở lần đầu chứng nhận với thời hạn 1 năm và 12.000USD/năm trong những lần chứng nhận sau; chứng nhận GlobalGAP mất 8.000 USD cho năm đầu và 2.000USD cho các năm sau.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn GlobalGAP, SQF 1000, ASC… có rất nhiều tiêu chí phức tạp, như GlobalGAP phải đạt tới hơn 200 tiêu chí (hiện nay mới chỉ có ít doanh nghiệp đạt được).

Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP do Việt Nam xây dựng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho người nuôi trồng thuỷ sản. Ông Dương Văn Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho rằng: “VietGAP được xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn GlobalGAP và ASC nên hài hoà với Bộ quy tắc ứng xử về nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm (CoC) của FAO và các tiêu chuẩn quốc tế đang được áp dụng. Khi áp dụng VietGAP thì đồng nghĩa với việc ngành nuôi cá tra đáp ứng được những tiêu chí đảm bảo dịch bệnh, an toàn môi trường, an sinh xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm”.

Đối với các hộ nuôi trồng thuỷ sản, việc bắt buộc áp dụng VietGAP là việc không còn xa. Ông Thể nhấn mạnh: “VietGAP có sự góp mặt của nhiều chuyên gia nước ngoài cùng tham gia xây dựng và đạt yêu cầu quốc tế đề ra. Tiêu chí mà VietGAP đưa ra gọn nhẹ và thuận lợi hơn rất nhiều cho người nuôi trồng thuỷ sản. Còn về kinh phí chắc chắn không nhiều như các tiêu chuẩn quốc tế.

Hơn nữa, việc áp dụng tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm thuỷ sản sẽ tăng lên, năng suất cao hơn, việc xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn. Vì vậy, Tổng cục Thuỷ sản đặt ra mục tiêu đến năm 2016 phải phổ cập về VietGAP đối với các hộ nuôi cá tra đạt chứng nhận VietGAP. Sau đó tiến tới bắt buộc các hộ nuôi trồng thuỷ sản phải có VietGAP mới có thể xuất khẩu được”.

Hỗ trợ 13 mô hình ứng dụng VietGAP

Theo đánh giá của Tổng cục Thuỷ sản, có rất nhiều hộ nuôi cá tra hưởng ứng và đăng ký thực hiện theo VietGAP, nhiều cơ sở nuôi có đủ cơ sở đáp ứng đúng với các tiêu chí mà VietGAP đề ra đã đề nghị Bộ NNPTNT cấp chứng nhận.

Tuy nhiên, theo ông Như Văn Cẩn – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản: “Hiện nay, Bộ chưa thể cấp chứng nhận VietGAP cho các hộ nuôi được vì thông tư hướng dẫn chưa ra đời. Chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện thông tư, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, các hộ nuôi có đủ điều kiện sẽ được cấp chứng nhận VietGAP”.

Hiện nay, Tổng cục Thuỷ sản đang hỗ trợ cho 13 mô hình ứng dụng VietGAP trong nuôi cá tra, tôm nước lợ và cá rô phi ở Quảng Ninh, Nghệ An, Ninh Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long… Các mô hình này đều được hỗ trợ kinh phí để mua con giống, thức ăn và được hỗ trợ về kỹ thuật. Theo đánh giá của Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản, vì biết được lợi ích lâu dài từ VietGAP nên các hộ nuôi rất phấn khởi tham gia.

“Tổng cục Thủy sản đang thúc đẩy xúc tiến thương mại tập trung vào thị trường khó tính nhất là châu Âu, tham gia tích cực các diễn đàn thuỷ sản quốc tế, các hội chợ thuỷ sản quốc tế để thuyết phục đối tác chấp nhận VietGAP là một tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm thuỷ sản khi nhập khẩu”.

Ông Dương Văn Thể cho biết thêm.

Đình Thắng (danviet.net)

Phân loại tin: