Ảnh: T.L
San hô biển Việt Nam khoảng 1.122 km2 có giá trị cực kỳ quan trọng đang đứng trước thách thức sống còn. Hệ sinh thái này nếu biến mất, biển nước ta có nguy cơ trở thành "thủy mạc” - Thông điệp này được cảnh báo bởi các nhà môi trường và bảo tồn thiên nhiên, và hiện nhiều Khu bảo tồn biển đang đáp lại bằng những động thái tích cực trong việc bảo tồn, hồi sinh san hô biển Việt Nam…
Đừng mơ làm du lịch nếu đáy biển trơ trụi
Biển Việt Nam tập trung khoảng 340 loài san hô trong tổng số 800 loài của thế giới, xếp vào loại đa dạng nhất thế giới. Các rạn san hô tập trung mật độ cao ở biển Nha Trang, Trường Sa, Hoàng Sa, biển Hòn Mun - Khánh Hòa. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: khoảng 20% rạn có độ phủ san hô sống nghèo (độ phủ 0-25%), 60% thuộc loại thấp (26-50%), chỉ có 17% còn tốt (51-75%) và chỉ 3% rất tốt (trên 75%).
Các nhà hải dương học lo ngại nếu cứ nổ mìn trên biển, tấn công san hô như lâu nay, các loài thủy sản sẽ hết nơi trú ngụ, sinh sản. Viện Hải dương học Việt Nam cũng cảnh báo, chưa bao giờ nguồn san hô đứng trước thách thức sống còn như hiện nay... Nhiều khu vực biển miền Trung, ngư dân đi lấy san hô đã thành nghề sinh sống.
Một diễn biến xấu đã và đang xảy ra với hệ sinh thái ven bờ ở Nam Trung Bộ, khi hàng loạt rạn san hô bị xóa sổ, những thảm cỏ ven biển có chức năng cân bằng sinh thái biển cũng đột nhiên biến mất. PGS, TS Võ Sĩ Tuấn - Viện phó Viện Hải dương học Nha Trang lo ngại: "những rạn san hô mất đi đồng nghĩa với sự cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản. Lúc đó đừng có mơ tới chuyện làm du lịch biển, bởi không ai dại bỏ tiền để lặn xuống đáy biển trơ trụi”.
Phục hồi, nuôi cấy thành công san hô cứng
Để bảo vệ, phục hồi những rạn san hô vừa đẹp vừa quý cho sinh thái biển bền vững, Chính phủ đã đưa nhiều loài san hô vào Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Quan trọng không kém đang là những hoạt động tích cực của Ban Quản lý nhiều khu Bảo tồn biển, cộng đồng ven biển.
Theo PGS Tuấn, tại Việt Nam san hô cứng có xu hướng giảm ở hầu hết các khu bảo tồn biển. Riêng tại Cù Lao Chàm, san hô cứng chủ yếu bị nhiễm ngọt từ đất liền và bị trầm tích lắng đọng. Viện Hải dương học Nha Trang chọn Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cùng Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang để nuôi cấy, phục hồi san hô cứng.
Hơn một tháng trước, Viện Hải dương học Nha Trang và Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã mở lớp tập huấn giám sát rạn san hô, chuyển giao công nghệ nuôi cấy san hô cho cán bộ Ban quản lý và 6 người dân tại xã đảo nổi tiếng về san hô đẹp này. Qua 9 ngày, các học viên xây dựng được 2 vườn ươm san hô tại Hòn Tai, Rạn Mè và 2 điểm nuôi cấy ở Bãi Bắc và Bãi Hương, tổng số gần 1000 tập đoàn - người dân Cù Lao Chàm gọi là 1000 cành - trên diện tích 4000m2.
Ông Huỳnh Ngọc Diên, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho rằng: thành công nhất của chương trình là việc phục hồi lại san hô cứng và giúp người dân Cù Lao Chàm chuyển biến rõ rệt nhận thức. Những người mà trước đây chỉ biết khai thác nguồn lợi có sẵn trong rạn, nay tự tay phục hồi lại rạn san hô trở lại nguyên vẹn như thuở ban đầu của nó.
San hô tại vùng biển Rạn Trào (tỉnh Khánh Hòa)
được cộng đồng bảo vệ đặc biệt
Ảnh: T.L
Rạn Trào – nơi độ bao phủ san hô cao nhất Việt Nam
Cách thành phố Nha Trang chừng 60km về hướng Bắc là vùng biển Rạn Trào (xã Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa) có tới 82 loài san hô, 69 loài cá rạn, 6 loài cỏ biển, 5 loài cây ngập mặn… Nơi này có mật độ bao phủ san hô lớn nhất nước ta, trải dài trên 15 km vùng biển xã Vạn Hưng. Trong khi nhiều tỉnh ven biển miền Trung đang đối mặt với tình trạng biển nuốt bờ do san hô bảo vệ bờ biển bị khai thác triệt để thì san hô nơi đây được cộng đồng bảo vệ đặc biệt.
Từng có thời ở đây san hô được dùng như nguyên liệu chế biến vôi, dùng thay xi măng nên dân đua nhau khai thác. Khu Bảo vệ hệ sinh thái Rạn Trào ra đời hơn 10 năm trước cứu san hô và đa dạng sinh học vùng biển này. Tham gia bảo vệ và quản lý không ai khác chính là hàng ngàn hộ dân xã Vạn Ninh. Người dân mày mò và chiết ghép thành công san hô, tạo hiệu quả trong việc phục hồi các rạn san hô, trong khi khá nhiều nước Đông Nam Á đã từng thử nghiệm phương pháp chiết ghép nhưng đều thất bại.
Khu bảo tồn biển kết hợp với du lịch sinh thái Rạn Trào đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Theo ông Lê Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, mô hình Khu Bảo vệ Rạn Trào là một thắng lợi trong việc cộng đồng tham gia bảo vệ hệ sinh thái. 28 ha san hô gần như đã chết, nay đang hồi sinh mạnh mẽ, các loài hải sản đã phát triển đa dạng trở lại. Quan trọng nhất là người dân hiểu được tầm quan trọng của san hô, của đa dạng sinh học nên ra sức bảo vệ. Khu Bảo vệ Rạn Trào thí điểm chương trình du lịch sinh thái cộng đồng bằng các tour du lịch tham quan rạn san hô. Toàn bộ chi phí thu được từ du lịch được sử dụng cho các hoạt động của khu bảo vệ.
Giữ môi trường cho san hô phát triển
Sự xuất hiện của loài sao biển gai đang trở thành mối đe dọa với hệ sinh thái của hơn 350 loài san hô trong Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang. Sao biển gai bùng phát mạnh do khai thác quá mức các loài thiên địch của chúng, như: ốc tù và, các loại ưa ăn trứng sao biển gai. Tháng 5 vừa qua, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang tiếp tục diệt sao biển gai. Theo anh Nguyễn Thanh Tài – Phó Trưởng Phòng Phát triển Cộng đồng và Giáo dục nhận thức (BQL Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang): khi sao biển gai bò ngang san hô, xúc tua của nó tiết dịch làm san hô chết. Để khuyến khích ngư dân, mỗi con sao biển gai sẽ được thu mua với giá 6.500đ/con và đem tiêu hủy. 11 năm qua, hoạt động này đã tiêu diệt hơn 100 ngàn con sao biển, vận động người dân tự giác bắt sao biển gai bảo vệ san hô.
Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang và Viện Hải dương học Nha Trang cũng đã tiến hành nghiên cứu rong mơ. Loài này gắn chặt với hệ sinh thái san hô và các loài thủy sinh khác. Nếu nó biến mất, môi trường sinh thái biển nơi đó cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng xấu.
Ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), Khu Bảo tồn rạn san hô thành lập 3 tổ hạt nhân tuần tra kiểm soát và báo cho chính quyền những người khai thác san hô và khai thác rong mơ sớm hơn quy định. "Năm nay, chúng tôi đưa ra quy định ngày bắt đầu khai thác rong mơ là 15-5 và kết thúc vào cuối tháng 7. Anh em trong tổ bảo vệ cũng đã được Khu Bảo tồn rạn san hô hỗ trợ một chiếc thuyền để thuận tiện trong việc tuần tra giữ gìn môi trường biển” - ông Trần Đình Nam, Trưởng thôn Thuận An, Tổ trưởng tổ bảo vệ cho biết. Thành viên của cả 3 tổ đều là người địa phương nên hiệu quả tuyên truyền rất cao. Ngư dân trong vùng trước cứ thấy có người mua là khai thác. Bây giờ hiểu rong mơ ảnh hưởng rất lớn đến chính cuộc sống của ngư dân nên bà con tích cực bảo vệ, khai thác đúng kỹ thuật, đúng mùa vụ.
Lợi ích mà san hô mang lại cho biển, cho người dân đã rõ. Trên thế giới có khoảng 284.000 km2 san hô, chiếm khoảng 1,2% diện tích thềm lục địa. Các dải san hô hỗ trợ ngành ngư nghiệp và du lịch, làm đê chắn sóng tự nhiên khi có bão. Các dải san hô còn làm đa dạng hóa hệ sinh thái. Theo ước tính của Chương trình bảo vệ môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), giá trị kinh tế của 1 km2 san hô vào khoảng 100.000 - 600.000 USD/năm.
Sự sống của các dải san hô ngầm sẽ bị đe dọa nghiêm trọng vào năm 2050 nếu lượng khí thải CO2 - tác nhân gây biến đổi khí hậu và làm tăng nồng độ axít trong nước biển - tiếp tục tăng cao như mức hiện nay. Đây là cảnh báo của các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Carnegie có trụ sở tại Washington (Mỹ). Các nhà khoa học kêu gọi cần hành động khẩn cấp để bảo vệ dải san hô - nguồn sống không chỉ của các loài cá, mà còn của hơn 1 tỉ người dân châu Á.
Thanh Như