“Trái đắng” trên vùng chuyển dịch

Là 1 trong 3 xã vùng ngọt hoá của huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) được cho phép chuyển dịch nuôi tôm, ngày ấy, Lợi An từng “làm mưa làm gió” bởi sự phát triển kinh tế nhanh không ngờ. Người dân nơi đây bỗng chốc đổi đời khi con tôm mang lại lợi nhuận đáng kể. Vậy mà giờ đây, Lợi An đang từng ngày nếm “trái đắng”.

Những căn nhà tường, nhà mái ngói đỏ tươi san sát là điều dễ bắt gặp khi về với vùng chuyển dịch này. Theo lời kể của nhiều người dân nơi đây, vài năm đầu sau khi chuyển dịch, ai nấy đều trúng đậm mùa tôm, nhà tường mọc lên như nấm.

Vậy mà thời gian trôi qua chưa lâu, cảnh cũ vẫn còn đó nhưng niềm vui thì “ngoảnh mặt” bởi tôm nuôi thất mùa liên miên, khiến cho ai cũng chạnh lòng.

Nhờ thời hoàng kim

Trước năm 2000, vì thuộc vùng ngọt hoá nên mô hình canh tác chủ yếu của người dân Lợi An là làm lúa 2 vụ/năm. Cuộc sống nơi đây cũng không mấy chật vật bởi lúa cũng đủ ăn, rau màu cho thêm thu nhập.

Thế rồi, cuộc sống yên bình ấy bỗng chốc bị khuấy động khi Lợi An, Phong Lạc và Phong Điền được tỉnh cho phép chuyển dịch từ trồng lúa sang lúa – tôm.

Người dân Xã Lợi An thực hiện nhiều mô hình nuôi tôm – cua kết hợp tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống – Ảnh: Chí Thanh

Những tưởng con tôm đã mang về cho người dân nơi đây có khi mỗi năm lên đến vài trăm triệu đồng/vụ lúa – tôm. Ông Võ Văn Hoài, ấp Lung Thuộc, bồi hồi: “Nhớ ngày trước, khi mới chuyển dịch từ lúa sang nuôi tôm, vụ nào cũng trúng, cứ thả là trúng mà không cần phải thức ăn, thuốc men hay kỹ thuật gì. Có hơn phân nửa số hộ dân ở đây giàu lên nhờ con tôm, mọi người ai cũng có cuộc sống khấm khá”.

Ông Huỳnh Văn Mừng, Trưởng Ban nhân dân ấp Tân Hiệp, cũng nuối tiếc: “Mỗi sáng có thể bỏ túi vài trăm ngàn đồng, có khi trúng con nước lên đến cả chục triệu đồng, làm lúa thì sao được vậy!”.

Thấy có lãi cao, chỉ thời gian ngắn được số tiền quá lớn, nhiều người dân không ngần ngại mở rộng diện tích, phá đất vườn tạp, cây ăn trái để chuyển sang nuôi tôm công nghiệp. Từ một vài hộ nuôi ban đầu đã phát triển nhanh theo cấp số nhân, trong khi đó, kiến thức hạn chế, kỹ thuật học lỏm, nuôi tràn lan khiến dịch bệnh hoành hành, nhiều gia đình phải lâm vào cảnh khốn đốn.

Ông Hoài thở dài: “Ấp này có diện tích nuôi tôm công nghiệp nhiều nhất xã. Lúc đầu chỉ 5-7 hầm thôi, sau người dân thấy hiệu quả tăng gần 200 đầm”.

Khi con tôm quay lưng

Khi kiến thức về nuôi tôm còn hạn hẹp, trình độ người nông dân còn yếu kém, trong khi quy trình nuôi con tôm quá phức tạp, biết bao trường hợp phải ứng phó khi môi trường thay đổi… là điều mà người nuôi tôm ở Lợi An chưa lường trước được. Người dân đành bất lực khi con tôm đang dần quay lưng với họ.

Ông Võ Văn Lạc, Phó Chủ tịch UBND xã Lợi An, phân trần: “Đã nhiều lần khuyến cáo người dân nên thả đúng vụ, ngưng nghỉ đất phơi đầm, nhưng vì lợi ích trước mắt, cứ hết vụ nuôi tôm này đến vụ tôm khác nối tiếp nhau khiến đất bạc màu, mầm bệnh dư tồn trong đất nên giờ đây tôm thất liên miên”.

Tôm thất thu, nợ chồng chất, nhiều gia đình phải dắt dìu nhau lên tỉnh khác để làm ăn.

Ông Cao Văn Bằng, Trưởng Ban nhân dân ấp Lung Thuộc, cho biết: “Toàn ấp có 173 ha lúa – tôm, 43 ha tôm công nghiệp với 96 hộ nuôi nhưng đã có tới 20 hộ cố đất bỏ đi Bình Dương làm thuê vì tôm thất liên tục mà nợ ngân hàng ngày một tăng.

Theo thống kê riêng của ấp, có tới trên 90% người dân “gởi” sổ đỏ vào ngân hàng. Thậm chí, có trên 15 hộ ban đất ra để trồng lại vụ lúa – tôm vì không trụ nổi với nuôi tôm công nghiệp”.

Là một trong số hộ điển hình của ấp bỏ tôm công nghiệp quay về với cây lúa, ông Võ Hoàng Nghi buồn bã: “Lúc đầu chỉ canh tác 1,5 ha lúa – tôm mà thôi, sau đó thấy huyện khác, bà con nuôi tôm công nghiệp lợi nhuận cao quá nên tôi cũng mở rộng diện tích đất nhà để nuôi 3 đầm, khoảng 6.000 m2, nhưng bây giờ dồn lại chỉ còn 1.500 m2. Tính ra đã gần 10 lần nuôi tôm công nghiệp thất bại rồi, mất bạc tỷ. Không riêng tôi mà cả xóm gần 20 hầm giờ chỉ còn lại được 1-2 hầm mà thôi”.

Ông Nghi còn cho biết thêm, trước đây gia đình có thể thu về trên 100 triệu đồng/hầm sau mỗi lần thu hoạch. Nhưng cho đến nay đã 5-6 năm mà chưa khi nào được thành công như lúc trước.

Giải thích vấn đề này, nhiều người nuôi tôm công nghiệp tự thừa nhận, bản thân mình thiếu kiến thức, thiếu kỹ thuật, ham lợi nhuận, không quan tâm cải tạo đất, phơi đầm, nguồn tôm giống kém chất lượng…

Ông Võ Văn Lạc chia sẻ: “Ngoài những yếu tố về con giống, môi trường, trong đó cũng phải kể đến ý thức, trình độ của người dân còn quá hạn hẹp nên kéo theo nhiều hệ luỵ. Hiện nay, xã cũng có chủ trương làm lại vụ lúa trên đất nuôi tôm, vì mô hình này mang tính bền vững và có thể giúp người dân ổn định cuộc sống”.

Không chỉ con tôm kém hiệu quả, khi nước mặn đưa vào khiến hoa màu, cây ăn trái vùng này trở nên èo uột. Con tôm thất thu, hoa màu, cây ăn trái không còn nữa đã và đang là bài toán nan giải trên vùng đất chuyển dịch không chỉ riêng ở Lợi An.

 

Phân loại tin: