Ngang nhiên phá rừng đặc dụng

Báo NTNN cùng nhiều cơ quan báo chí từng lên tiếng về tình trạng phá rừng đặc dụng Khâu Tinh ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang (thuộc Khu vực bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung).
 
ShareThis Copy and Paste

Cứ tưởng sau khi dư luận, báo chí lên tiếng, tình trạng này sẽ bị ngăn chặn, nào ngờ, việc phá rừng ở đây còn trở nên trắng trợn hơn.

Gỗ bị xẻ vô tội vạ trong rừng (Ảnh: Dân Việt)

Gỗ bị xẻ vô tội vạ trong rừng (Ảnh: Dân Việt)

Trở lại rừng đặc dụng Khâu Tinh vào những ngày đầu tháng 8 này, chúng tôi dễ dàng nhận thấy gỗ nghiến – loại gỗ quý thuộc nhóm 2A vẫn ngày đêm bị lâm tặc triệt hạ vô tội vạ. Nếu sự thật hiển hiện này không bị ngăn chặn, chẳng mấy chốc loại gỗ nghiến quý sẽ sạch bóng ở khu bảo tồn thiên nhiên này.

Vào rừng là gặp lâm tặc

Khác hẳn với cái vẻ thâm tịch của một nơi vùng cao, bản Chợ (xã Yên Hoa, huyện Na Hang) khá sầm uất, nhộn nhịp vì ăn theo “ngành công nghiệp” phá rừng nhiều năm. Không khó để chúng tôi tìm được một cái nhà nghỉ tương đối đầy đủ tiện nghi sau cả ngày đường vất vả. 9 giờ tối, tôi và anh bạn đồng nghiệp đang chìm vào giấc ngủ say thì giật mình thức giấc bởi tiếng động cơ gắt gỏng đến chói tai, rồi có những tiếng nổ ầm ầm ở đâu vọng lại.

Chúng tôi mở cửa chạy xuống gặp ông chủ nhà nghỉ tên Tân thì được nghe câu trả lời: “Đó là tiếng kêu của cưa máy. Còn tiếng đổ ầm ầm là mấy ông lâm tặc đang cưa gỗ nghiến ở mấy cánh rừng gần đây dội về, đêm khuya thì nghe rõ thôi”.

Ông Tân cho biết thêm: “Trước đây, rừng ở khu vực này có nhiều gỗ đinh, gỗ hương nhưng sau nhiều năm lâm tặc hành hoành thì giờ 2 loại gỗ quý đó cơ bản đã sạch bóng. Bây giờ đến lượt gỗ nghiến bị đưa ra xẻ thịt. Một chiếc thớt nghiến loại dài 45cm, dày 7cm, có giá khoảng 170.000 đồng. Mỗi đầu gỗ để làm khung cửa loại dài 2,2m, rộng 23cm, dày 7cm thì có giá khoảng 600.000 – 700.000 đồng… Giá đắt đỏ như vậy nên ở vùng này, cứ vào rừng là gặp lâm tặc. Rừng hết gỗ chỉ là vấn đề thời gian thôi”.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đi thị sát vùng rừng bị phá thì ông Tân bảo: “Nếu muốn đi thị sát, các anh trả ít chi phí. Ngày mai, tôi cho người đưa đến lũng Thôm Phường, thuộc địa bàn xã Khâu Tinh. Nếu ở đó họ không hạ gỗ, tôi xin không làm người”.

Đúng hẹn, sáng sớm, chúng tôi được người của ông Tân đưa đi đến lũng Thôm Phường. Chỉ mất khoảng 40 phút, qua mấy đám rừng đã thấy lộ ra 3 gốc nghiến có đường kính khoảng 80cm còn tươi rói. Xung quanh là cành, lá, củi, rồi xác các loại cây rừng nhỏ bị thân gỗ nghiến đè chết la liệt…

Anh Bình (39 tuổi), người dẫn đường cho chúng tôi lý giải: “Ở đây là khu vực gần khu dân cư nên bọn lâm tặc thường xuyên đợi khi đêm tối rồi dùng cưa máy để hạ gỗ. Bây giờ có nhiều loại đèn xạc điện sáng nên đêm tối không thành vấn đề. Chỉ cần 1- 2 giờ là cây gỗ to vài người ôm có tuổi đời 400 năm sẽ bị phanh thây ngay”.

Cũng theo anh Bình, lâm tặc ở đây có công nghệ phá rừng rất tiên tiến. Ngoài cưa máy, tời cáp lụa, chúng còn mở đường cho xe ô tô vào tận nơi. Chỉ cần vài đường cưa, gỗ đã được xếp gọn lên ô tô. Nếu thuận tiện thì chỉ sáng sớm là gỗ có thể về đến tận các điểm tiêu thụ.

Sau vài chục phút ngó nghiêng, anh Bình lại dẫn chúng tôi ngược ngàn khoảng 20km nữa để đến khu vực Lũng Thì, thôn Nà Tảng, xã Khâu Tinh – nơi được xem là trung tâm của nạn phá rừng. Sau khoảng 2 giờ đi bộ, chúng tôi đến được khu vực Nà Tảng. Tại đây, thật bất ngờ, giữa rừng sâu “một đại công trường” gỗ đang hoạt động.

Có hàng chục tốp thợ với khoảng hơn 200 người tự do đốn cây. Nhóm nào có nhu cầu chắt gỗ lấy thớt thì cắt thớt, nhóm nào có nhu cầu lấy gỗ làm khung cửa thì cắt gỗ ra từng đầu. Anh Bình thì thầm: “Đừng chụp ảnh gì nhé, cứ im lặng như người đi rừng tìm phong lan thôi. Để bọn lâm tặc này phát hiện thì mấy bác nhà báo và cả tôi sẽ không sống được để ra khỏi rừng đâu”.

Khoét cây lấy ngọc

Gỗ nghiến ở Khu bảo tồn Tát Kẻ – Bản Bung, thuộc địa bàn xã Khâu Tinh lâu nay vẫn bị “trảm” làm thớt, làm con tiện, khung cửa. Nhưng mấy năm gần đây lại rộ lên việc lâm tặc cắt bìu nghiến làm cho rừng nghiến rơi vào tình trạng chết đứng và làm mồi cho những mùa phá rừng năm sau.

Lấy cớ xin hớp nước của đám sơn tràng đang ngồi nghỉ để chuẩn bị khênh một bìu nghiến lớn xuống làng bán cho khách, tôi bắt chuyện được với nhóm “chuyên phẫu thuật” cây này.

Ông Triệu Văn Tuyến (43 tuổi), người dân tộc Tày nói: “Bây giờ mà đi xẻ nghiến lấy gỗ cũng chỉ thu nhập đủ ngày vài bữa rượu thôi. Muốn đổi đời phải biết đường đi tìm bìu nghiến, mà dân chơi hiện nay vẫn gọi là ngọc nghiến.

Thực chất ngọc nghiến chỉ phát triển được ở những cây nghiến khoảng 300 năm tuổi trở lên. Lúc đầu, trên thân cây xuất hiện một vết thương, rồi qua năm tháng vết thương này hình thành một cục gỗ ngày một to lên, rất rắn. Cái bìu nghiến này thường có vân, có lớp tuyệt đẹp.

Hoa văn của nó trông sặc sỡ như đuôi công, gỗ lúc nào cũng mát lạnh nên thường được gọi là ngọc nghiến. Theo ông Tuyến, nếu tốt số, dân tìm ngọc nghiến có thể gặp những bìu “khủng” khoảng 800 tuổi, có đường kính đến 4m2, đủ làm một chiếc sập. Loại bìu này vô giá, mà vào tháng 10.2012, chính nhóm của ông Tuyến đã từng khoét được một bìu nghiến dạng khủng bán được 600 triệu đồng.

“Dân chúng tôi chỉ biết đi kéo gỗ về thôi. Nếu thiếu cưa thì chủ gỗ cấp. Nếu thiếu tiền ăn thì chủ gỗ ứng trước. Chúng tôi khai thác về đều phải bán cho các chủ gỗ, chỉ có họ mới biết cách đưa gỗ đi xa thôi vì họ quen biết nhiều người” – ông Triệu Văn Thỏa (48 tuổi), lâm tặc ở xã Khâu Tinh cho biết.

Hàng ngày, nhóm của ông Tuyến gồm 6 người cũng như hàng chục đội thợ khác vẫn liên tục mở rộng địa bàn để lùng sục những tảng ngọc nghiến có giá trị như vậy. Nếu cứ đà này thì chỉ thời gian ngắn nữa là tất cả các cây nghiến trong rừng Tát Kẻ – Bản Bung đều sẽ bị lâm tặc điểm chết hoặc đốn hạ hết.

Chỉ vài ngày có mặt ở khu vực này, chúng tôi cũng đã phần nào đoán định được con đường đi của những cây gỗ nghiến bị rút ra từ rừng. Gỗ ở rừng đặc dụng sau khi bị đốn hạ sẽ xuôi theo hồ Thủy điện Na Hang để về xuôi.

Sau những ngày leo rừng xem lâm tặc chặt hạ và “làm xiếc” chốn rừng xanh ở Lũng Thì, Me Lình, Thôm Phường (xã Khâu Tinh), chúng tôi đem những hình ảnh chụp được tới gặp ông Nguyễn Tiến Long – Phó Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang. Ông Long nói như đã thuộc lòng: “Chúng tôi đã làm rất quyết liệt, hết sức mình, nhưng chỉ lực lượng kiểm lâm sẽ rất khó bảo vệ rừng mà rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, cả xã, thôn nữa, mới có thể dẹp bỏ nạn phá rừng”.

Đúng là chỉ với 26 con người làm công tác bảo vệ rừng, để bảo vệ sự an toàn cho gỗ quý hiếm tại khu Bảo tồn Tát Kẻ – Bản Bung huyện Na Hang sẽ là vô cùng gian khó. Nhưng chẳng lẽ vì thiếu người mà cán bộ bảo vệ rừng vẫn để rừng nghiến ở Na Hang bị hạ sát hàng ngày hay sao? Câu hỏi này, một lần nữa xin gửi đến các ngành chức năng ở Na Hang, Tuyên Quang…

Theo Nguyễn Gia Tưởng/Dân Việt, 21/08/2013

 
ShareThis Copy and Paste

Phân loại tin: