Minh bạch thông tin để tăng cạnh tranh cho nông, thủy sản Việt Nam

Sáng 17/7, tại Hà Nội, Tổ chức Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) và Dự án Truy xuất nguồn gốc điện tử phối hợp tổ chức hội thảo “Tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản và thủy sản Việt Nam, minh bạch thông tin, con đường phát triển bền vững”.
 

Ngành NN&PTNT trong thời gian qua đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và thủy sản luôn đứng ở tốp đầu xuất khẩu trên thế giới trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nông sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, giá trị thấp hơn nông sản cùng loại xuất xứ từ nước khác. Hiện, nước ta có nhiều sản phẩm có uy tín, có chuỗi sản xuất và sản phẩm được chứng nhận bởi các tiêu chuẩn khắt khe như BAP, GAP, ASC, MSC… Thế nhưng, thông tin về sản phẩm cũng như doanh nghiệp hầu như không được truyền tải đến người tiêu dùng. Đặc biệt, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước chưa coi trọng việc cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch đến người mua. Trong khi đó, đây là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại trong cung cấp thông tin. Điều này dẫn đến tình trạng gian lận thương mại, không truy rõ nguồn gốc sản phẩm cũng như các thông tin cần thiết ghi trên bao bì ngày càng phức tạp, làm tổn hại lợi ích người tiêu dùng. Năm 2011, thông qua tổ chức GFC, Chính phủ Đan Mạch đã hỗ trợ hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Đến nay, dự án đã hoàn chỉnh việc xây dựng phần mềm cho các chuỗi sản xuất tôm, cá tra, rau, trái cây và áp dụng thành công tại 12 doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chia sẻ: Việt Nam mong muốn Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử “Traceverified” sẽ mang lại lợi ích thiết thực trong công tác quản lý, góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi làm thủ tục kiểm tra chất lượng và có thể cả thủ tục thông quan. Nền kinh tế nước ta sẽ có lợi rất nhiều, từ minh bạch sẽ tạo được niềm tin thị trường, từ đó tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm với giá cạnh tranh hơn và thương hiệu của nông sản Việt sẽ ngày càng được khẳng định.

Hội thảo cũng đưa khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ NN&PTNT) cần sớm ban hành các quy định khuyến khích áp dụng Truy xuất nguồn gốc điện tử và tạo lập mối quan hệ hợp tác với các tổ chức tiêu chuẩn độc lập quốc tế.

 

Phân loại tin: